| Hotline: 0983.970.780

20 năm 'vàng' tăng sức khỏe não bộ, ngăn suy giảm trí nhớ

Thứ Sáu 17/01/2025 , 14:52 (GMT+7)

Nguy cơ mắc suy giảm trí nhớ ở tuổi từ 55 đến 75 chỉ là 4%, ít hơn nhiều so với độ tuổi từ 75 trở lên, theo nhóm các nhà khoa học Hoa Kỳ.

Nguy cơ mất trí nhớ lên tới 40% ở tuổi sau 55. Ảnh: Restless.

Nguy cơ mất trí nhớ lên tới 40% ở tuổi sau 55. Ảnh: Restless.

Công bố trên tạp chí Nature Medicine, nhóm nghiên cứu do TS Josef Coresh, Trung tâm Y khoa NYU Langone Health cho biết, nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ khác nhau theo độ tuổi.

Quan sát trên 15.000 tình nguyện viên trong hàng chục năm, Coresh cùng cộng sự nhận thấy, có khoảng 4% số người bị suy giảm trí nhớ ở độ tuổi từ 55 đến 75. Đây cũng là giai đoạn mà ông gọi là 20 năm quan trọng để bảo vệ sức khỏe não bộ.

Đối với những người sống sót sau các mối đe dọa sức khỏe thông thường cho đến 75 tuổi, nguy cơ bị suy giảm nhớ tăng vọt lên 20% ở độ tuổi 85 và 42% ở độ tuổi từ 85 đến 95.

Nhìn chung, nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ sau tuổi 55 là 35% đối với nam giới và 48% đối với nữ, theo nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, người da màu có nguy cơ cao hơn một chút, 44%, so với người da trắng là 41%.

Ngoài độ tuổi, một yếu tố rủi ro khác dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ là do thừa hưởng biến thể gen có tên là APOE4, nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở ​​giai đoạn cuối đời.

Để có thể cải thiện sức khỏe não bộ, đồng thời giảm nguy cơ mất trí nhớ, các nhà khoa học khuyến cáo người dân, nhất là nhóm cao tuổi, luôn năng động về mặt xã hội và nhận thức. "Nếu thính lực bị suy giảm, bạn cần lập tức sử dụng máy trợ thính, giúp ngăn ngừa sự cô lập với xã hội", TS James Galvin, chuyên gia về bệnh Alzheimer của Đại học Miami nói.

Do đối tượng chủ yếu của bệnh suy giảm trí nhớ là người cao tuổi, nên Galvin đề xuất những phương án dễ nhớ, dễ thực hiện trong thực tế. Ông nhấn mạnh: "Những gì tốt cho tim thì cũng tốt cho não của bạn", và thúc giục mọi người tập thể dục, tránh béo phì và kiểm soát huyết áp, tiểu đường và cholesterol trong khẩu phần ăn.

Nhóm đối tượng bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường... cũng thuộc diện có nguy cơ cao hơn, dễ dẫn đến mất trí nhớ.

Sử dụng nhiều thực phẩm bổ dưỡng như trái cây cũng là một cách giúp cải thiện trí nhớ. Ảnh: TEBRA.

Sử dụng nhiều thực phẩm bổ dưỡng như trái cây cũng là một cách giúp cải thiện trí nhớ. Ảnh: TEBRA.

Suy giảm trí nhớ từ lâu được xác định là một tình trạng bệnh lý khi con người thấy khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới hoặc dần quên đi các thông tin đã biết trước đây. Đây là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như Alzheimer, đột quỵ, stress, trầm cảm hoặc chứng mất ngủ. 

Có nhiều cấp độ suy giảm trí nhớ, từ dạng nhẹ như lơ đãng cho đến nghiêm trọng hơn, có thể khiến người bệnh mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Bệnh có thể là tình trạng tạm thời và cải thiện được, nhưng cũng có thể kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Một số biểu hiện thường thấy của suy giảm trí nhớ như: Quên thông tin mới hoặc vừa biết cách đó không lâu; Mất khả năng thực hiện các công việc quen thuộc; Mất định hướng về thời gian hoặc không gian; Thay đổi tính cách, cảm xúc và hành vi...

Trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, quá tải trong công việc, thiếu hụt dinh dưỡng, sử dụng chất kích thích...cũng là những yếu tố thúc đẩy nguy cơ suy giảm trí nhớ. 

Chính bởi các vấn đề này mà vấn đề suy giảm trí nhớ giờ lan ra cả nhóm đối tượng trẻ. Nguyên nhân là bởi tác động của các gốc tự do, sinh ra trong quá trình chuyển hóa chất bình thường của cơ thể hằng ngày.

Các gốc tự do này thường tác động lên các mô chứa nhiều lipid, đặc biệt là não - nơi chiếm đến 60% lipid của cơ thể. Những người trẻ thường có hoạt động chuyển hóa mạnh, nên sinh ra nhiều các gốc tự do và tăng nguy cơ gây hư hỏng các tế bào thần kinh, đặc biệt nếu cơ thể phải tiêu thụ các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều năng lượng, các chất kích thích hoặc ở trong trạng thái stress, mất ngủ kéo dài.

TS Josef Coresh, vì thế, quan tâm đến nhóm đối tượng trẻ và đề nghị nên có các biện pháp quản lý, giải tỏa, tránh để căng thẳng kéo dài, hoặc bỏ thói quen tiêu dùng đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều đường, chất kích thích. Giai đoạn này, nên thực hiện trước ngưỡng tuổi 55.

"Người trẻ nên áp dụng các biện pháp kích thích hoạt động của não, từ đó cải thiện tình trạng bệnh như đọc sách, học chơi nhạc cụ, học ngôn ngữ mới, chơi trò chơi giải đố…. để cải thiện tình hình sức khỏe não bộ", Coresh chia sẻ.

Với nhóm người cao tuổi, ông cũng hướng dẫn một số phương pháp như: tạo thói quen ghi chép các sự kiện quan trọng, thường xuyên hồi tưởng những sự việc đã xảy ra, hạn chế nạp nhiều calo quá mức cơ thể cần.

Đặc biệt, việc tăng cường giao tiếp xã hội cần được đẩy mạnh. Nếu không thể ra ngoài, vị chuyên gia về thần kinh cho rằng, người già có thể gọi điện cho nhau, hoặc cố gắng thực hiện công việc tại nhà theo đúng kế hoạch hẹn trước.

Xem thêm
8 dấu hiệu nhận biết sớm ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt ở nữ giới. Dưới đây là 8 dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến giáp bạn nên lưu ý.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.