Theo đó, bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu.
Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 28/7/2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 18.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là "sớm một bước, cao hơn một mức", không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ.
Cụ thể, các địa phương tập trung công tác phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ngoài ra, giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu (đối với địa phương có cửa khẩu) trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch.
Với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu trước tiên phải theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, khuyến cáo của WHO để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, Bộ NN-PTNT cần phối hợp, chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh đậu mùa khỉ.