| Hotline: 0983.970.780

Cà phê chế biến trở thành mặt hàng tỷ đô

Thứ Sáu 07/02/2025 , 14:39 (GMT+7)

Sau cà phê Robusta, ngành cà phê đã có thêm một mặt hàng cà phê xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, đó là cà phê chế biến.

Cà phê chế biến xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.

Cà phê chế biến xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 35% so với năm 2023, đạt 1,18 tỷ USD, chiếm 21% tổng trị giá xuất khẩu cà phê của cả nước năm 2024. Như vậy, đây là lần đầu tiên cà phê chế biến vượt mốc 1 tỷ USD về xuất khẩu.

Trong các chủng loại cà phê xuất khẩu, cà phê chế biến hiện chỉ đứng sau cà phê Robusta. Cụ thể, trong năm 2024, xuất khẩu cà phê Robusta đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 4,185 tỷ USD; cà phê chế biến đạt 1,18 tỷ USD; cà phê Arabica đạt 65 nghìn tấn và 240 triệu USD; cà phê Excelsa là 2.246 tấn, trị giá 10 triệu USD.

Những năm gần đây, xuất khẩu cà phê nhân đang có xu hướng giảm. Năm 2024, dù kim ngạch xuất khẩu cà phê lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD nhờ giá tăng cao, nhưng lượng cà phê xuất khẩu lại giảm mạnh khi chỉ đạt 1,345 triệu tấn, giảm tới 17% so với năm 2023, trong đó, lượng cà phê Robusta giảm 22%.

Sản lượng giảm do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu, là nguyên nhân đầu tiên khiến cho lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh. Trong khi đó, tiêu thụ cà phê trong nước ngày càng tăng lên, và nhất là các nhà máy sản xuất cà phê chế biến xuất hiện ngày càng nhiều, cũng đã góp phần quan trọng làm giảm lượng cà phê nhân xuất khẩu và tăng kim ngạch cà phê chế biến. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết, nhiều doanh nghiệp cà phê, nhất là doanh nghiệp FDI đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy cà phê chế biến ở Việt Nam.

Thị trường cà phê thế giới đang ngày càng rộng mở đối với cà phê chế biến Việt Nam, trong đó có EU - thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, số liệu thống kê của Eurostat cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2023 xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang thị trường EU có xu hướng tăng lên.

Đặc biệt từ 2020 đến 2023, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 song khối lượng cà phê chế biến Việt Nam sang thị trường EU đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh cả về lượng lẫn trị giá. Cụ thể, đến năm 2023, khối lượng cà phê chế biến xuất khẩu sang EU đã đạt kỷ lục 31 nghìn tấn, tăng gần gấp ba lần so với khối lượng cà phê chế biến xuất khẩu sang EU trong năm 2015.

Nếu tính theo trị giá, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến Việt Nam sang EU giai đoạn 2015 - 2023 tăng trưởng liên tục theo các năm từ mức 45,6 triệu Euro trong năm 2015 tăng lên 153 triệu Euro năm 2023 (tăng 107%).

Tuy liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây và đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Chẳng hạn, trong xuất khẩu sang thị trường EU, Việt Nam vẫn đang chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, sản phẩm cà phê chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 12% (tính đến năm 2023). Vì vậy, dù sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam cao nhưng thương hiệu cà phê Việt vẫn chưa được biết đến nhiều tại thị trường EU. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất cà phê chế biến Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc phát triển thương hiệu và xuất khẩu trực tiếp sang thị trường EU.

Cà phê có thương hiệu xuất khẩu và ghi dấu ấn trong thị trường quốc tế hiện chủ yếu đến từ các thương hiệu nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu cà phê thô của Việt Nam và xay trộn chế biến thành các mặt hàng cà phê có hương vị đặc sắc, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Chính vì vậy, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng việc xây dựng được thương hiệu mạnh cho cà phê Việt Nam là rất cần thiết. Xây dựng thương hiệu không chỉ bảo vệ doanh nghiệp khỏi các tranh chấp không đáng có, mà còn giúp gia tăng giá trị của mặt hàng cà phê chế biến trên thị trường trong và ngoài nước...

Trong xuất khẩu cà phê chế biến sang EU giai đoạn 2015 - 2023, nhóm cà phê chưa rang, đã khử caffein là nhóm cà phê chế biến luôn dẫn đầu về tỷ trọng, chiếm hơn 60% khối lượng cà phê chế biến xuất khẩu sang thị trường này. Tiếp đến là nhóm cà phê hòa tan, chiết xuất, tinh chất và chất cô đặc của cà phê, chiếm tỷ trọng trung bình 37,1%. Ba nhóm cà phê chế biến còn lại chiếm chỉ trọng rất nhỏ, chỉ trên dưới 1%, đặc biệt là nhóm cà phê đã rang, đã khử caffein chiếm tỷ trọng không đáng kể (0,02%). (Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương)

Xem thêm
EU siết chặt quy định với nông sản tươi, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?

Các quy định mới của EU đối với nông sản tươi tập trung vào vấn đề giảm dư lượng hóa chất BVTV; chứng nhận kiểm dịch thực vật; và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Đạm Ninh Bình phát động chương trình trồng mới hơn 1.500 cây xanh

Sáng 7/2, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình phát động 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' Xuân Ất Tỵ 2025 tại Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Đầu tư 19.000 tỷ xây cầu Tứ Liên kết nối trục Hồ Tây - Cổ Loa

Cầu Tứ Liên được đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 5/2025, góp phần kết nối đô thị và thúc đẩy phát triển trục Hồ Tây - Cổ Loa.

Bình luận mới nhất