| Hotline: 0983.970.780

Cà phê chế biến - hướng đi mới đầy tiềm năng

Thứ Năm 05/05/2022 , 06:39 (GMT+7)

Danh tiếng cà phê Việt đã sớm nổi tiếng với bạn bè quốc tế, nhưng không vì vậy mà chúng ta lơ là việc đa dạng hóa các sản phẩm và mở rộng thị trường.

EU hiện nay là thị trường rộng mở với lượng tiêu thụ cà phê Việt Nam nhiều nhất.

EU hiện nay là thị trường rộng mở với lượng tiêu thụ cà phê Việt Nam nhiều nhất.

Cà phê chế biến mang thương hiệu Việt Nam đến nay vẫn chưa thực sự phát triển rộng rãi. Trong khi đó, nhu cầu cà phê chế biến tại thị trường EU, một trong những thị trường xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam, đang ngày càng gia tăng. Nguy cơ mất thị phần là rất cao nếu chúng ta không kịp thời có định hướng đúng đắn.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến tại EU tăng cao

EU hiện nay là thị trường khổng lồ với lượng tiêu thụ cà phê Việt Nam nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng giá trị xuất khẩu (đạt 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm). Cộng thêm việc miễn giảm thuế từ 15% xuống 0% nhờ EVFTA, thị trường này càng trở nên hấp dẫn. Chỉ riêng Hà Lan đã tiêu dùng cà phê với tổng giá trị là 620 triệu EUR trong năm 2010 theo báo cáo từ các siêu thị lớn, con số này năm 2020 là hơn 800 triệu EUR, ấy là chưa kể lượng tiêu thụ từ các điểm bán nhỏ lẻ khác. 

Đặc biệt, thị phần cà phê thô đang dần bị thay thế bởi cà phê chế biến. Đa số người Hà Lan xem cà phê là thức uống không thể thiếu hàng ngày. Trước trước đại dịch Covid-19, người Hà Lan có thể đến tiệm để thưởng thức cà phê tươi. Tuy nhiên, khi mọi người ở nhà nhiều hơn do Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan, rang xay gia tăng. Số lượng tiêu thụ cà phê chất lượng cao được bán ra tại siêu thị tăng gần 40% từ năm 2019 cũng do nguyên nhân này.

Dựa theo tình hình này, phân khúc sản phẩm cà phê pha sẵn và đóng gói để uống một lần được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng bên cạnh phân khúc cà phê đặc sản và cà phê được chứng nhận. Thương mại trực tiếp giữa các nhà rang xay nhỏ và các nhà sản xuất cũng được dự báo gia tăng. Những tín hiệu từ thị trường lớn này cho thất, đã đến lúc các nhà sản xuất, thương mại Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận để bắt nhịp với thị trường.

Thực trạng cà phê chế biến Việt Nam

Cà phê chế biến của Việt Nam vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt và chưa được chú trọng đúng mức. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan của Việt Nam đã tăng lên 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, đây vẫn là một con số rất nhỏ.

Về thực trạng này với nông sản Việt Nam nói chung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng đưa ra con số so sánh như sau: “Hiện nay, nông sản trong nước có 20 - 30% thông qua chế biến để xuất khẩu. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) gần 80% nông sản qua chế biến mới bán ra thị trường”.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Pháp tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, nhưng đáng tiếc trong đó lại không có Việt Nam. Trong thời gian này, sản lượng nhập vào thị trường Pháp xấp xỉ 12,93 nghìn tấn, tương đương 21,12 triệu USD, giảm 36,3% về lượng và giảm 39,0% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam giảm từ 10,6% xuống 6,25%.

Nguyên nhân là do Pháp tăng nhập khẩu cà phê chế biến, giảm nhập khẩu dạng thô. Trong khi đó, cà phê thô Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chiếm 99,69% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê. Tình trạng này có thể còn kéo dài, trong khi xu hướng tiêu dùng chung của thế giới đang dần dịch chuyển sang sản phẩm tiện lợi có thể sử dụng tại nhà thì điểm bất lợi của cà phê Việt Nam càng cần được tháo gỡ sớm.

Những thương hiệu nổi tiếng trong nước như Trung Nguyên, Vinacafe hay mới đây là King Cà Phê đều ít được biết tới tại thị trường EU. Điều đó cho thấy các nhà sản xuất đang quá chú trọng nhu cầu trong nước, chưa khai thác tối đa tiềm năng tại các thị trường nước ngoài.

“Chế biến trước, xuất khẩu sau” sẽ là xu thế

Sản phẩm chế biến giúp tối ưu lợi nhuận do không qua trung gian chế biến. Nhà sản xuất với dây chuyền chế biến có sẵn giúp kiểm soát chất lượng nông sản, giảm giá thành bán ra và từ đó gia tăng lợi nhuận thu về.

Ngoài ra, việc chế biến sản phẩm trước rồi mới xuất khẩu sẽ giúp bảo đảm chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Do sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu hơn, vận chuyển dễ dàng hơn sản phẩm thô. 

Cũng trong một tổng hợp điều tra về hành vi tiêu dùng cà phê tại Hà Lan do NOS - Đài truyền hình quốc gia Hà Lan - thực hiện trong năm 2020 cho thấy một điểm rõ nét về diễn biến thị trường. Do việc đóng cửa các dịch vụ Horeca (quán ăn, nhà hàng, hotel…), lượng tiêu thụ cà phê trong ngành dịch vụ Horeca giảm 8% so với trước khi dịch Covid-19 diễn ra. Tuy nhiên một xu hướng rõ nét là những thực khách quen thuộc của Horeca quan tâm đến cà phê chất lượng cao, do vậy số lượng tiêu thụ cà phê chất lượng cao được bán ra tại siêu thị tăng gần 40%. 

Nghĩa là những thực khách đã từng quen với vị cà phê rang xay của các nhà hàng, nay do giãn cách xã hội buộc phải đóng cửa, thì đã lui tới siêu thị để mua những loại cà phê cao cấp về sử dụng tại nhà.

Chỉ riêng con số tiêu dùng cà phê của năm 2010 tại Hà Lan là 620 triệu EUR được bán ra từ các siêu thị, thì số liệu của năm 2020 cho thấy con số này là hơn 800 triệu EUR chưa tính đến các hệ thống siêu thị tiện ích nhỏ lẻ ví dụ như trạm xăng dầu, các kios bán hàng tại các ga tàu, bến xe… tại Hà Lan.

Người Hà Lan coi cà phê là một thức uống không thể thiếu trong đời sống của họ và vì vậy họ không tiếc tiền để được thỏa mãn nhu cầu này. Một câu cửa miệng của người Hà Lan là "Life is too short for bad coffee" - dịch ý "Cuộc sống này quá ngắn ngủi để dành cho những ly cà phê dở". Hà Lan là một thị trường lớn về tiêu thụ cà phê, lại là một trong các cửa ngõ quan trọng với nông sản Việt Nam khi xâm nhập thị trường rộng lớn hơn là EU. Vì vậy, các nhà sản xuất, thương mại cà phê Việt quan tâm đúng mức đến thị hiếu cà phê của người Hà Lan cũng là cách để mở rộng thị phần tại EU nói chung.

Mới đây, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã xác định hai mục tiêu chính: Thứ nhất, duy trì vị trí của Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Thứ hai, tăng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan và nâng kim ngạch xuất khẩu lên 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”.

Để thực hiện hóa các mục tiêu đề ra, VICOFA sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn thực hiện Đề án cấp chứng nhận nhãn hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao; tiếp tục tái canh, thử nghiệm các giống cà phê chè và vối mới chịu hạn, năng suất cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê chế biến sâu vào các thị trường trong Hiệp định EVFTA, EUKFTA và các nước khác có hiệp định FTA; thúc đẩy tiêu thụ nội địa; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế.

Một điều vô cùng quan trọng là việc củng cố thương hiệu Việt Nam trong mắt người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như Hà Lan. Để chứng minh rằng Việt Nam không chỉ có cà phê thô, chúng ta có thể sản xuất các mặt hàng chế biến chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của họ, chấm dứt việc các trung gian sử dụng cà phê ngon của Việt Nam để chế biến và sau đó bán ra dưới tên một thương hiệu xa lạ nước ngoài.

Thị trường cà phê Đài Loan (Trung Quốc) đang phát triển rất nhanh, nhưng lượng cà phê Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này còn rất nhỏ. Ông Vũ Văn Cường, Trưởng đại diện Bộ phận Thương vụ (Văn phòng Kinh tế Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc), cho biết, năm 2021, Đài Loan nhập khẩu gần 41 nghìn tấn cà phê, trị giá 207 triệu USD. Trong đó, nhập từ Việt Nam khá ít, chỉ có 877 tấn, trị giá 1,98 triệu USD.

Nguyên nhân là do đại đa số cà phê trồng ở Việt Nam là giống Robusta, trong khi người Đài Loan lại ưa chuộng cà phê Arabica và thích uống cà phê rang xay thủ công theo khẩu vị riêng.Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thị trường cà phê Đài Loan, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể thâm nhập vào thị trường này bằng các loại cà phê chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê túi lọc...

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất