Lạc là cây trong họ đậu, tuy nhu cầu dinh dưỡng không cao, đặc biệt là lượng nitơ, nhưng lại cho sản phẩm có lượng đạm rất cao. Nhờ có bộ rễ cấu tạo bởi nhiều nốt sần chứa nhiều vi khuẩn Rhizobium có khả năng tổng hợp và cố định được một lượng đạm khá từ trong không khí.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ngành thổ nhưỡng nông hóa nước ta cho thấy, để sản xuất được 1 tấn lạc vỏ, cây lạc cần hấp thu 64 kg nitơ (N), 16 kg lân (P2O5) và 27 kg kali (K2O) từ đất. Như vậy so với lân và kali, cây lạc có nhu cầu hấp thu nitơ cao hơn...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, với năng suất thu hoạch trung bình từ 1,5 đến 2 tấn/ha lạc vỏ, bà con nên bón 20-30 kg N, 60-90 kg P2O5 và 30-60 kg K2O. Không nên bón vượt định mức lượng đạm nếu trên vì nếu tăng lượng nitơ lên hơn 40 kg/ha thì năng suất sẽ giảm do hiện tượng sinh khối tăng nhanh.
Nói chung tỉ lệ N: P2O5 thích hợp biến đổi từ 1:2 đến 1:3 nghĩa là cứ bón 1 kg N thì phải bón 2-3 kg P2O5. Tỉ lệ N:K2O có thể giữ 1:2 (30 kg N và 60 kg K2O/ha).
Trên đất chua nghèo photpho, có khả năng cố định photpho cao (như đất bazan) thì cần bón nhiều photpho hơn. Trái lại, đối với đất nhẹ như đất suy thoái và đất xám, cần bón nhiều kali hơn.
Canxi cũng là một chất dinh dưỡng mà cây lạc cần với số lượng khá lớn. Bón vôi sẽ cung cấp canxi để giảm độ chua của đất, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Rhizobium phát triển và điều quan trọng nhất là canxi góp phần tạo ra nhân lạc.
Tuy vậy, bón quá nhiều vôi sẽ làm giảm năng suất lạc do hậu quả bão hoà canxi trong đất và trong trường hợp này cây lạc sẽ hấp thu nhiều canxi hơn, ít nitơ và thậm chí ít kali dẫn đến giảm năng suất. Trên đất bạc màu nếu bón 300-500 kg vôi/ha thì sẽ tăng năng suất đáng kể, còn trên đất cát biển, mức thích hợp là 300-400 kg vôi/ha.
Manhê cùng các nguyên tố vi lượng khác như kẽm, đồng, môlypđen, bo cũng có hiệu quả với cây lạc. Do vậy việc bón phân photphat manhê nung chảy và phun dung dịch chất dinh dưỡng vi lượng với nồng độ 0,1-0,15 sẽ có tác dụng tăng năng suất 10-15%.