Huyện Tân Lạc (Hoà Bình) tiếp tục bội thu mùa quýt Vân Sơn, sản lượng quả cho thu hoạch khoảng trên 1.000 tấn, doanh thu ước đạt 35 tỷ đồng, tăng 30% sản lượng và giá trị so với vụ quýt năm 2023. Hiện bà con trên địa bàn đang khẩn trương thu hái những trái quýt vừa tầm chín để cung ứng kịp thời cho thị trường.
Bà Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn cho biết, xã Vân Sơn là vựa quýt của huyện Tân Lạc. Tính đến hết năm 2024, có 70% số hộ dân trong xã trồng quýt, tổng diện tích đạt gần 200ha, trong đó có 180ha cho khai thác kinh doanh, toàn bộ các diện tích quýt này đều sản xuất theo hướng VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các xóm trồng nhiều quýt nhất xã là xóm Xôm, xóm Bương Bái, xóm Chiến, xóm Dồ, xóm Tớn.
Do đặc điểm sinh thái, quýt Vân Sơn thường chín và cho thu hoạch sớm hơn nửa tháng so với quýt trồng ở các địa phương đồng bằng và cho chất lượng quả rất thơm ngon nên luôn bán được giá cao. Năm nay, quýt đầu vụ giá 50.000 - 55.000 đồng/kg tại chân đồi, sau giảm dần còn 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhờ trồng quýt, nhiều hộ ở Vân Sơn đã đổi đời, làm được nhà ở kiên cố, cao tầng, có hộ sắm được ô tô riêng.
Ông Bùi Văn Đon ở xóm Xôm trồng 1.200 gốc quýt, có 1.000 gốc đang cho khai thác kinh doanh, vừa rồi mới thu hoạch 50% sản lượng quả, thu được trên 1 tỷ đồng. Dự kiến kết thúc thu hoạch vào khoảng Tết Nguyên Đán, ông Đon sẽ thu thêm được 800 triệu đồng. Ông Đon tiết lộ, vào đầu vụ, ông ra giá quýt ngót 60.000 đồng/kg thương lái vẫn quyết đặt hàng vì khi đó sản lượng quýt trong xã chưa nhiều.
Ông Bùi Văn Tuấn (xóm Xôm) cũng trồng 1.200 gốc quýt Vân Sơn, được thương lái đến mua đồng giá 35.000 đồng/kg cả vườn và cả vụ. Theo đó, ông Tuấn thu được khoảng 1,9 tỷ đồng từ 5,5 tấn quýt các loại. Đến thăm các hộ trồng quýt khác như Hà Văn Hiệu, Bùi Văn Kiều, Bùi Văn Tức (cùng xã Vân Sơn), chúng tôi cũng ghi nhận kết quả phấn khởi. Nhờ trồng quýt, bà con xứ Mường Bi đã có tiền đầu tư cho con cái học hành đỗ đạt cao, xây được nhà ở khang trang, hộ ông Bùi Văn Tức còn mua được ô tô sang trọng.
Quýt Vân Sơn đều được thương lái bao tiêu, cung ứng cho các siêu thị ở Hà Nội. Để giữ chân được khách tiêu dùng ở thị trường kỹ tính này, nhà nông Vân Sơn chủ yếu chăm bón quýt bằng các loại phân chuồng hoai mục, chỉ bón NPK cho cây phục hồi khả năng phát triển ngay sau kết thúc thu hoạch và khi quả non, không dùng thuốc trừ cỏ, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng và hoá chất bảo quản quả, không sử dụng thuốc BVTV hoá học ngoài danh mục nhà nước cho phép. Thay vào đó, cơ bản chỉ dùng những thuốc sinh học có hoạt chất Abamectin; Bacill thuringiensis; Azadirachtin... Phun thuốc sớm khi vết bệnh chớm phát sinh, sâu non đang tuổi 1 - 2.
Đặc biệt ở đây gần như hộ nào cũng nuôi từ 3 - 4 con trâu hoặc bò trở lên, chưa kể chăn nuôi lợn và gia cầm các loại nên luôn có sẵn nguồn phân hữu cơ để chăm bón kịp thời cho cây quýt, giúp cây phát triển cân đối, giảm thiểu sâu bệnh hại, giảm bón phân hoá học.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), quýt Vân Sơn luôn sai hoa, nhiều quả, chất lượng cao vì được trồng trên các vàn đồi cao trung bình so với mặt nước biển gần 1.000m, thời tiết quanh năm mát mẻ, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, cùng với nguồn phân chuồng dồi dào, cho phép nông dân chăm bón nhiều giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển cân đối. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để cây quýt phân hoá mầm hoa, tăng khả năng đậu quả, tăng tích luỹ dinh dưỡng vào cây và quả, tạo nên hương vị thơm ngon khác biệt.
Ông Đinh Công Thao, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc cho biết, quýt Vân Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể từ năm 2018. Hiện cây trồng này bắt đầu được trồng nhân rộng ra một số xã như Phú Cường, Quyết Chiến, Ngổ Luông nên sản lượng quả sẽ ngày càng tăng cao, tạo áp lực tiêu thụ.
Để giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ tốt sản phẩm, trong thời gian tới, Phòng NN-PTNT huyện Tân Lạc sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quýt Vân Sơn trên các phương tiện truyền thông nhà nước và trên các trang mạng Facebook, Zalo, TikTok, đưa sản phẩm quýt Vân Sơn lên sàn thương mại điện tử của tỉnh và quốc gia.
Đồng thời tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh quýt cho nhà nông, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp hoặc thương lái bao tiêu sản phẩm.