| Hotline: 0983.970.780

Cách Trung Quốc đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm giữa Covid-19

Thứ Hai 06/09/2021 , 15:35 (GMT+7)

Bảo vệ nguồn cung, kích thích năng suất tại các vùng sản xuất và giữ cho hệ thống vận chuyển được thông suốt là cách Trung Quốc đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dùng để đo lường lạm phát của nước này vào tháng một năm ngoái đã chạm mức cao nhất trong vòng 8 năm khi giá thực phẩm tăng hơn 20% so với tháng 1/2019.

Điều này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm việc hàng loạt gia đình tích trữ thực phẩm khi lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn Covid-19 lây lan và tình trạng gián đoạn phân phối thực phẩm.

Hàng triệu người dân bị cách ly cùng với đường xá và các phương tiện công công bị cấm khiến việc đến cửa hàng để mua thực phẩm cũng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, ngành giao hàng thực phẩm bán lẻ của Trung Quốc đã chứng minh được vai trò của mình bằng khả năng thích ứng mạnh mẽ.

Dịch vụ giao đồ ăn đã phát triển nhảy vọt kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Một số công ty giao thực phẩm nhanh chóng thích nghi với các biện pháp phong tỏa bằng cách sáng tạo ra những cách mới giúp nhân viên giao hàng hạn chế tối đa tiếp xúc với khách hàng. Tuy nhiên, cách này dù hiệu quả nhưng không thể giải quyết các thách thức về tiếp cận thực phẩm đối với những người không đủ khả năng chi trả.

Thọ Quang, một thành phố ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, hồi đầu năm ngoái được dư luận chú ý bởi vai trò của nó là trung tâm sản xuất, phân phối rau quả lớn của cả nước, chỉ nằm cách thành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid-19, vài trăm km. Trong trường hợp này, một trung tâm sản xuất và phân phối thực phẩm lớn tách biệt về mặt địa lý với tâm dịch là một lợi thế vì nông dân Thọ Quang và tài xế xe tải có thể tiếp tục sản xuất và gửi thực phẩm đến Vũ Hán.

Nếu dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở Thọ Quang, khả năng đảm bảo nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, việc đa dạng hóa vị trí các khu vực sản xuất thực phẩm trên khắp cả nước sẽ giúp mang đến khả năng bảo vệ tốt hơn trước những sự kiện trong tương lai có khả năng tác động trực tiếp tới an ninh lương thực, thực phẩm.

Bất chấp nỗ lực nhằm tăng cường sản xuất và phân phối ở những nơi như Thọ Quang, việc đóng cửa nhiều khu chợ và hạn chế về giao thông trên cả nước khiến các nhà sản xuất không thể đưa sản phẩm của họ đến nơi bán. Họ đồng thời cũng gặp thách thức trong khâu thu mua nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và vận chuyển.

Tất cả những yếu tố trên dẫn tới hệ quả là làm giảm khả năng cung cấp một số mặt hàng thực phẩm tới người tiêu dùng, chưa kể đến ảnh hưởng tới sinh kế của những  người lao động trong hệ thống cung ứng thực phẩm và sức khỏe vật nuôi.

Các hạn chế về giao thông còn làm giảm nguồn lao động trong chuỗi cung ứng thực phẩm, qua đó làm giảm nguồn thực phẩm sẵn có cho người tiêu dùng. Khi số ca nhiễm tăng và lệnh phong tỏa được áp dụng, sẽ có ít tài xế xe tải hơn để vận chuyển thực phẩm từ các khu vực sản xuất đến thành phố cũng như không có đủ nhân lực xếp dỡ hàng tại các điểm trung chuyển.

Khi ngày càng có nhiều người bị cách ly và nhiễm bệnh, những hạn chế đi lại càng khiến khâu vận chuyển bị trì hoãn, dẫn tới việc phân phối thực phẩm kịp thời và cung cấp đủ thực phẩm ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Để ứng phó, trong những tuần sau khi các ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận, chính phủ Trung Quốc đã có một loạt động thái để bảo vệ nguồn cung thực phẩm tại những khu vực bị ảnh hưởng cũng như bảo vệ sức khỏe người dân, ví dụ như đóng cửa các chợ tươi sống và cấm giao dịch, tiêu thụ động vật hoang dã.

Nhà chức trách đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường sản xuất lương thực và giết mổ, đảm bảo không lò mổ nào bị đóng cửa và thực phẩm phải được chuyển thông suốt từ các trung tâm sản xuất như Thọ Quang đến những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thêm vào đó, họ miễn cấm đường đối với các xe tải giao thực phẩm để hàng hóa tiếp tục lưu thông như bình thường. Cuối cùng, giới chức ban hành những hình phạt nặng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào có hành vi khiến giá thực phẩm tăng cao bất thường.

Kết quả là dù ban đầu, tình trạng hoảng loạn tích trữ thực phẩm có xảy ra, nguồn cung và giá cả thực phẩm của Trung Quốc vẫn được giữ bình ổn. Vì tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm có thể trở thành thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh virus lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu nên kinh nghiệm của Trung Quốc về đảm bảo an ninh lương thực có thể là bài học quý giá cho rất nhiều quốc gia khác.

  • Tags:
Xem thêm
Lào xem xét một số chính sách đặc thù với doanh nghiệp Việt Nam

Chính phủ Lào đã xem xét áp dụng một số chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Chuyện của những chuyến xe 0 đồng đong đầy yêu thương

QUẢNG NINH Hơn 1 năm nay, CLB “Chuyến xe thiện nguyện 0 đồng” đã đồng hành với hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình giành lại sự sống.