Khi Liu Yilin, giáo viên về hưu ở Vũ Hán nghe về một căn bệnh mới rất dễ lây lan xuất hiện trong thành phố, ông bắt đầu tích trữ lương thực, thực phẩm như gạo, mỳ, dầu ăn, cá và thịt khô.
Tính lo xa đã giúp người đàn ông 66 tuổi này thoát khỏi những hoảng loạn ban đầu khi thành phố Vũ Hán thực hiện phong tỏa vào đầu năm 2020, khi mà những người khác đổ xô đến các chợ và siêu thị để mua hàng.
Nhưng thời gian trôi qua, Liu ngày càng lo lắng khi chính quyền thành phố không cho người dân ra ngoài trong khi đồ dự trữ của ông đang cạn dần. Nỗi lo của người giáo viên già chỉ tan biến khi đội ngũ giao hàng (shipper) khổng lồ được tham gia vào chuỗi cung ứng.
“Thật may mắn khi một số nhóm thu mua nhu yếu phẩm do các shipper tổ chức xuất hiện trên WeChat (ứng dụng tương tự Zalo) vài ngày sau khi phong tỏa. Dịch vụ giao hàng tận nhà mạnh mẽ của Trung Quốc đã giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn trong thời kỳ khủng hoảng”, ông Liu nói.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu kinh tế tại Bắc Kinh Hu Xingdou thì cho rằng: “Giao hàng tận nhà đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Ở một mức độ nào đó, nó giúp người dân không chết đói, nhất là trong những khu vực áp dụng các biện pháp giãn cách mạnh tay”.
Sống nhờ internet
Theo ông Liu, khi phong tỏa, người dân ở Vũ Hán buộc phải ở trong nhà, ở các lối ra đều có lực lượng chức năng canh gác. Khi đó, con người chỉ giao tiếp với nhau qua internet.
Người dân có thể đặt hàng trực tuyến với nông dân, tiểu thương hoặc siêu thị để mua nhu yếu phẩm và các shipper sẽ vận chuyển những đơn hàng này đến các chốt gác trước khi được lực lượng chức năng phân phối tới người dân.
Mỗi sáng, ông Liu chuyển một tờ giấy ghi tên, số điện thoại và số thứ tự của gia đình cho một người canh gác. Sau đó, người này sẽ tập kết đồ được shipper chuyển đến theo địa chỉ của ông Liu ở cổng khu dân cư rồi đem lên nhà cho ông.
Nhờ mật độ dân số cao ở khu vực thành thị, đóng góp lực lượng lao động dồi dào và sự tiếp cận nhanh của người dân với công nghệ, Trung Quốc sở hữu mạng lưới shipper rất hùng hậu.
Giáo sư Mark Greeven, công tác tại Trường kinh doanh IMD ở Lausanne, Thụy Sỹ nhận định: “Cho dù là sản phẩm thông thường, thực phẩm tươi sống hay thuốc và vật tư y tế thì Trung Quốc cũng có hệ thống vận chuyển rất tốt. Hệ thống này phát triển hơn phần đa các quốc gia khác trên thế giới”.
Giải pháp tối ưu
Theo sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc, nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng đã tăng đột biến trong thời gian bùng phát của dịch Covid-19.
Từ 20/1-28/2 năm 2020, sàn này bán được khoảng 220 triệu mặt hàng, chủ yếu và ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, lượng mua thịt bò tăng gấp 3, thịt gà tăng gấp 4 so với trước đó 1 năm.
Tang Yishen, người đứng đầu JD Fresh, công ty con chuyên về thực phẩm tươi sống của JD cho biết: “Sự gia tăng nhu cầu mua bán trực tuyến các sản phẩm tươi sống cho thấy đại dịch đã giúp các nhà cung cấp thâm nhập sâu hơn vào đời sống của khách hàng. Nó cũng giúp các nhà sản xuất, các chủ trang trại biết đến và tin tưởng chúng tôi hơn”.
Trong khi đó, nền tảng thương mại điện tử Meituan Dianping cho biết dịch vụ bán lẻ trên trang của họ đã tăng trưởng đến 400% so với năm 2019. Cụ thể, các mặt hàng được mua nhiều nhất là khẩu trang, nước khử trùng, quýt, trái cây tươi và khoai tây.
Với dịch vụ giao đồ ăn Ele.me, từ 21/1-8/2 năm 2020, lượng giao thực phẩm đông lạnh của họ tăng đến 600% so với cùng kỳ năm trước, mặt hàng tăng trưởng ấn tượng thứ 2 là vật dụng chăm sóc thú cưng, tăng 500%.
Theo các chuyên gia, các sàn thương mại điện tử đã tận dụng cơ hội này để thể hiện thiện chí và cải thiện mối quan hệ của họ với cả khách hàng lẫn nhà cung cấp.
Nhà phân tích chiến lược Sofya Bakhta, làm việc tại công ty Daxue tại Bắc Kinh nhận định, việc giao thực phẩm trực tuyến đã giúp giảm đáng kể việc tiếp xúc cơ thể trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Lý do là khi giao hàng, lực lượng shipper chỉ đặt sản phẩm, đơn hàng vào những khu vực được quy định, hoàn toàn không tiếp xúc với khách hàng.
Một số công ty cũng áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến hơn so với shipper truyền thống. Ví dụ như công ty Meituan ở Bắc Kinh, dùng các phương tiện tự lái để đưa bữa ăn đến các trạm nhận hàng không tiếp xúc. Còn ở Thượng Hải, Ele.me dùng máy bay không người lái để chuyển hàng cho khách ở những nơi cách ly nghiêm ngặt.
Ngoài ra, nhiều công ty bị ngừng hoạt động do giãn cách để phòng dịch có thể chia sẻ nhân viên để làm shipper cho các công ty kinh doanh thực phẩm trong giai đoạn này, Mo Xinsheng là một nhân viên như vậy.
Trước khi có dịch, Mo là phụ bếp trong một nhà hàng ở Bắc Kinh nhưng lúc giãn cách anh đã chuyển sang làm shipper: “Tôi muốn kiếm thêm thu nhập và giúp những người bị phong tỏa”. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu công việc Mo phải trải qua nhiều lần xét nghiệm để đảm bảo an toàn khi vận chuyển hàng.