Trong cuộc họp giao ban Bộ NN-PTNT tháng 10, bên cạnh những vấn đề nổi bật của ngành thì hiện tượng người dân một số địa phương ở Tây Nguyên chặt bỏ cà phê xen canh trong vườn sầu riêng khiến các lãnh đạo Bộ quan tâm.
Báo cáo về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường và Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung đều cho biết, hiện tượng này rộ lên sau khi Trung Quốc cho phép xuất khẩu quả sầu riêng tươi vào thị trường này.
Chi tiết hơn, ông Hoàng Trung lý giải, nguyên nhân người dân chặt bỏ cà phê là do trong nghị định thư về xuất nhập khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, phía bạn yêu cầu chỉ cấp mã số vùng trồng cho những vườn trồng thuần, không chấp nhận vườn xen canh.
Chỉ đạo về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, trải qua một chu kỳ giảm, hiện nay giá cà phê đang tăng trưởng tích cực, do đó cần phải có biện pháp để duy trì diện tích, sản lượng cây trồng này, tránh phản ứng thái quá với việc sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Trồng trọt cần có khảo sát thật sớm để đưa ra được văn bản khuyến cáo các địa phương chấn chỉnh hiện tượng này. "Nếu chậm thêm một ngày là có thêm một diện tích lớn cà phê bị chặt bỏ", Bộ trưởng nói.
Ngoài vấn đề chặt bỏ cà phê, việc đoàn kiểm tra của EC sang làm việc về vấn đề "thẻ vàng" IUU cho thấy cần có nhiều biện pháp hơn nữa trong thời gian tới. Đoàn kiểm tra của EC cho biết sẽ quay lại sau 6 tháng nữa, do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cần lập "Kế hoạch 180 ngày" để đưa ra những bước đi cụ thể nhằm giải quyết vấn đề IUU.
"Chúng ta cần phải tìm cách tiếp cận khác, truyền thông khác về IUU. Không phải là cấm cản, gây khó khăn cho ngư dân mà chính là đang giúp họ giành lại quyền lợi cũng như giữ gìn nguồn lợi cho các thế hệ sau", Bộ trưởng gợi ý với Tổng cục trưởng Trần Đình Luân.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp cần có chương trình, giải pháp để phục hồi bền vững chất lượng rừng, từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai với người dân.
Với những vấn đề của ngành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với các lãnh đạo đơn vị rằng, đừng chỉ tiếp cận vấn đề chỉ qua kỹ thuật mà còn chú ý đến vấn đề con người, lấy con người làm trung tâm. Ví dụ như, có thể thành lập nhóm chuyên theo dõi các chính sách hỗ trợ nông dân trong thời gian tới.
Liên quan các chỉ số của ngành trong tháng 10 và 10 tháng vừa qua của năm 2022, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, ngành nông nghiệp tăng trưởng khá với tốc độ tăng 9 tháng đầu năm 2,99%; năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều sản phẩm chủ lực tăng, duy trì vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể, tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước trên 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD…
Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất gần 2,0 tỷ USD, tăng 45,3%.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch, hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất là cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang thị trường này; lạm phát tại châu Âu, chiến sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực, EU đã xây dựng kế hoạch “Làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên xuất khẩu sang thị trường này dần chuyển biến tích cực nhưng yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, chi phí logistics lớn...
Đối với thị trường Hoa Kỳ, trong tháng 10, quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường này, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.
Từ nay đến cuối năm, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp cả năm từ 2,9 - 3% với kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 53 - 54 tỷ USD. Ngoài ra, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%; có trên 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.