Đã cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng
Ngày 28/10, UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với Sở NN-PTNT Khánh Hòa và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa (Cty Vạn Hòa) tổ chức hội nghị kết nối cung cầu và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn huyện này.
Đây là hội nghị nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn huyện Khánh Sơn gặp mặt trao đổi với doanh nghiệp, cơ sở thu mua trực tiếp thực hiện chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Từ đó góp phần tạo nên nguồn tiêu thụ ổn định cho sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện Khánh Sơn.
Khánh Sơn là một huyện miền núi được mệnh danh “thủ phủ” cây quả của tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, huyện này có 3.300 ha cây ăn trái, trong đó diện tích sầu riêng hơn 2.100 ha, với sản lượng hiện cho thu hoạch hơn 12.000 tấn. Hiện sầu riêng Khánh Sơn là sản phẩm chủ lực của huyện đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Năm 2019 sầu riêng Khánh Sơn được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho biết, đến nay huyện đã được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Chi Cục Trồng trọt và BVTV phê duyệt cấp 3 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Cụ thể là tổ Hợp tác trái cây Ba Cụm Bắc, Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình và hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc) với tổng diện tích 90,5ha.
Đây là tiền đề quan trọng góp phần bảo vệ thương hiệu sầu riêng của huyện trong quá trình lưu thông tiêu thụ trên thị trường, nhất là xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng lợi dụng nhãn hiệu, trà trộn sản phẩm của các địa phương khác vào vùng trồng đã được cấp mã số.
Liên quan về cấp mã số vùng trồng, ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, cho biết thêm, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng sản xuất nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại và truy suất nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là “chìa khóa” để mở ra những cánh cửa cho nông sản Việt vươn xa và là điều kiện bắt buộc nếu muốn nông sản xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Hùng, vừa qua sầu riêng Khánh Sơn được Tổng cục hải quan Trung Quốc phê duyệt 3 mã số vùng trồng, tuy nhiên diện tích được cấp mã mới chỉ 4,5% diện tích sầu riêng của huyên. Mặt khác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có thêm một vùng trồng trọt nào được cấp mã số vùng trồng. Nguyên nhân bởi nhiều vùng trồng không đạt điều kiện về diện tích tổi thiểu 10 ha. Cùng với đó người nông dân và địa phương chưa hiểu rõ những lợi ích mã số vùng trồng mang lại như đã nói như trên.
Do đó, trước yêu cầu ngày càng chặt chẽ và quản lý chất lượng nông sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn; cũng như đồng hành, sát cánh hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa đề nghị UBND các huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng các vùng trồng có nhu cầu cấp mã số. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan sử dụng mã số để phối hợp xử lý.
Liên kết chuỗi sầu riêng là cần thiết
Tại hội nghị, Cty Vạn Hòa có trụ sở ở phường 12, Quận 10, TP HCM, một trong 25 cơ sở đóng gói được Tổng cục hải quan Trung Quốc chấp nhận và cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn hợp tác với các HTX, Tổ hợp tác và nông dân trồng sầu riêng cùng xây dựng mã số vùng trồng tham gia chuỗi liên kết để cùng nhau hưởng lợi.
Với hệ thống các nhà máy nhà xưởng trải dài các tỉnh từ Tây Nguyên đến các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đồng Nai, Tiền Giang…cùng với đầy đủ năng lực về chuyên môn và tài chính, Công ty Vạn Hòa đảm bảo hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Anh Trung, đại diện Cty Vạn Hòa, cho biết, Công ty đặt mục tiêu liên kết chuỗi sầu riêng với bà con cả nước với diện tích 12.000 ha, với tổng sản xuất khoảng 300.000 tấn/năm. Khi các HTX, Tổ hợp tác và nông dân trồng sầu riêng tham gia chuỗi liên kết, Cty sẽ hỗ trợ cho vay đầu tư sản xuất không lãi suất khoảng 50 triệu đồng/ha.
Cùng với đó Công ty có chính sách trả thưởng sau thu hoạch cho các HTX, Tổ hợp tác khoảng 500 đồng/kg và nông dân 300 đồng/kg vì ghi chép và sản xuất theo đúng quy trình quy định. Giá thu mua sầu riêng được Công ty mua với giá thị trường và chốt giá thu mua trước ngày thu hoạch từ 10-15 ngày. Ngoài ra, Cty còn hỗ trợ cho bà con trong việc tập huấn về trồng và chăm sóc, cũng như tập huấn trong việc duy trì cấp mã số vùng trồng. Vì hàng năm bắt buộc sầu riêng phải được kiểm tra, thẩm định lại mã số vùng trồng.
Nông dân Mai Văn Khang, một người trồng sầu riêng ở xã Sơn Lâm (Khánh Sơn) cho rằng, việc huyện và ngành nông nghiệp kết nối nông dân trồng sầu riêng với Cty Vạn Hòa để có đầu ra tiêu thụ sản phẩm bền vững là rất cần thiết. Ông cùng như bà con tại hội nghị rất mừng và đồng tình với những chính sách Cty đưa ra hỗ trợ bà con rất thiết thực. Tuy nhiên những người trồng sầu riêng mong muốn để chuỗi liên kết được bền vững thì cần có sự cam kết giá thu mua ổn định.
Về vấn đề này, đại diện Cty Vạn Hòa cho biết thêm, Công ty hợp tác với nông dân trồng sầu riêng khi tham gia chuỗi liên kết sẽ thể hiện rõ cụ thể trong hợp đồng. Cty cam kết với nông dân thu mua sầu riêng theo đúng quy trình, giá thu mua xô được chốt trước ngày thu hoạch và không thay đổi. Nếu giá lên hay xuống, Cty đều chịu hết.
Sau khi các ý kiến của nông dân và doanh nghiệp, ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề nghị sau hội nghị này, các Hợp tác xã, nông dân cùng Cty Vạn Hòa tiếp tục làm việc cụ thể và sớm hình thành chuỗi liên kết sầu riêng để có đầu ra ổn định.
Theo Cty Vạn Hòa, để được hưởng chính sách, HTX, Tổ hợp tác lập danh sách, sau đó Cty xuống kiểm tra. Tiếp đến Cty sẽ làm việc với ngân hàng triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư cho bà con với thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên việc hỗ trợ chính sách này được triển khai hàng năm và được trả lại sau thu hoạch. Đối với nông dân không nằm trong vùng được cấp mã số vùng trồng, Cty vẫn hỗ trợ đầu tư sản xuất 50 triệu đồng/ha, song không được thưởng theo chính sách. Tại hội nghị, Cty đề nghị huyện khi tham gia chuỗi liên kết với nông dân cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng gói. Bởi Cty khi xây dựng vùng nguyên liệu ở đâu thì xây dựng cơ sở đóng gói đến đó để việc thu mua thuận lợi cũng như giúp bà con an tâm sản xuất.