Từ ngày 11-14/11, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT có chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại nông sản sang thị trường lớn thứ 2 châu Âu.
Tham gia đoàn công tác, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về tiềm năng và nhu cầu mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản mà hai bên có thế mạnh.
Đúng và trúng yêu cầu của thị trường
Thưa ông, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mở ra điều gì cho nông sản Việt Nam và chúng ta cần làm gì để khai thác hết lợi thế của hiệp định này?
Chúng ta biết rằng Vương quốc Anh là một quốc gia phát triển trên thế giới và nhu cầu của người dân Anh đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch đòi hỏi chất lượng của sản phẩm nông sản rất khắt khe.
Bên cạnh đó, người dân Anh thường chú trọng vào những sản phẩm có tính chất tiêu dùng nhanh, những sản phẩm mà phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để phục vụ các nhu cầu thực tiễn, thực tế và thực dụng của người tiêu dùng.
Chính vì thế, thông điệp của chuyến đi lần này là trả lời những yêu cầu của thị trường Anh, do đó, chúng ta cần một lực lượng các doanh nghiệp đúng và trúng yêu cầu của thị trường.
Cụ thể hơn, chúng ta cần những sản phẩm mang nguồn gốc thực vật, sản phẩm trái cây hữu cơ, những sản phẩm được thiết kế sẵn để đưa trực tiếp vào các chuỗi bán lẻ mà trước mắt là để đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng Việt kiều tại Anh, đặc biệt là ở những thành phố có sức mua lớn.
Bên cạnh đó, chúng ta cần nắm bắt nhanh và kịp thời việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh vào tháng 12/2020. Đây là một hiệp định thương mại bậc cao, từ đó không để hụt đà phát triển kinh ngạch trao đổi nông sản giữa 2 bên trong bối cảnh Anh tách ra khỏi EU.
Chúng ta cũng không được để xảy ra hiện tượng sản phẩm Việt Nam không có đầu phân phối tại thị trường Anh. Trước đây chúng ta phân phối qua châu Âu, qua Hub trung gian nhưng hiện nay với Hiệp định thương mại FTA Việt Nam - UK thì rõ ràng chúng ta phải thiết kế ngay từ đầu các trung tâm phân phối nông sản của Việt Nam đi thẳng vào các thành phố lớn của Anh.
Chỉ khi các sản phẩm của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thương hiệu, có nhãn mác, có bảo hộ sở hữu trí tuệ và có chất lượng được thừa nhận, được công nhận đi vào những chuỗi phân phối đó thì hàng hóa của chúng ta mới có một chỗ đứng bền vững.
Như vậy, câu trả lời ở đây đặt ra là gì? Chúng ta phải đi thẳng vào thị trường Anh chứ không phải qua khâu trung gian nữa.
"Vũ khí" lợi hại ở thị trường Anh
Vương quốc Anh xác định Việt Nam là đối tác nông nghiệp quan trọng hàng đầu của Vương quốc Anh trong ASEAN. Thế nhưng, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Vương quốc Anh mới chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm khoảng 1,3% tổng giá trị nhập khẩu lương thực thực phẩm 60 tỷ USD của Vương Quốc Anh. Thưa ông, đâu là những rào cản và giải quyết rào cản này thế nào?
Rào cản đầu tiên là các sản phẩm của chúng ta chưa có sự lan tỏa nhiều về mặt thông tin. Đơn cử như mặt hàng cà phê với mức dung lượng khoảng 56 triệu USD nhưng nhiều nhà hàng ở London hay nhiều chuỗi phân phối nhỏ lẻ ở London vẫn không nghĩ là tại sao Việt Nam lại có dung lượng cà phê lớn đến như vậy. Người ta chưa biết nhiều đến Việt Nam và chưa biết nhiều đến các sản phẩm nông sản Việt Nam.
Chính vì vậy, rào cản đầu tiên chính là rào cản kết nối. Ở đó các doanh nghiệp chưa có nền tảng về mặt thông tin, chưa có tính kết nối về các đường dẫn, chưa có được hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất đi thẳng vào trọng tâm của thị trường.
Cái thứ hai là chúng ta chưa kích hoạt được một lực lượng vô cùng quan trọng, đấy là rất nhiều người trẻ tuổi của Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Anh, lực lượng sinh viên rất đông.
Chúng tôi đã có thời gian học tập, sinh sống ở châu Âu thì thấy rằng nếu chúng ta kích hoạt được sự năng động của lớp trẻ này, họ có đầy đủ những sự kết nối, đầy đủ thông tin thì chúng ta sẽ lan tỏa được giá trị của sản phẩm nông sản Việt Nam, thương hiệu Việt Nam và văn hóa Việt Nam trong các sản phẩm nông nghiệp.
Như vậy, chúng ta sẽ có những vũ khí lợi hại, những lực lượng ngay chính trong cộng đồng của người Anh và từ đó sự kết nối không bị co hẹp hoặc không bị vướng mắc như cũ nữa.
Không dàn trải, hình thức
Tháng 5/2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tham Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh; tháng 11/2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu với nhiều hoạt động. Ông kỳ vọng gì về chuyến đi này?
Chúng tôi bám sát quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, tức là không làm dàn trải, không làm hình thức mà cố gắng kết nối nhu cầu đến với nhu cầu, con người đến với con người và thông tin đến với thông tin. Đoàn doanh nghiệp lần này sang sẽ phân khúc ra một số ngành nghề khác nhau.
Một là các sản phẩm liên quan tới nguồn gốc thực phẩm, tức là sản phẩm trái cây là chủ đạo. Trong đó có các sản phẩm cà phê như cà phê Minh Tiến, thương hiệu đầu đàn về Arabica của Việt Nam cùng với các sản phẩm nông sản vùng Tây Bắc, nơi mà những giá trị truyền thống của chúng ta cần được phát huy.
Đấy là những sản phẩm mà chúng tôi sẽ cố gắng kết nối đối với các hiệp hội lớn của Anh như Hiệp hội cà phê hay Hiệp hội rau quả.
Thứ hai là các vấn đề liên quan tới sản phẩm chăn nuôi, chúng ta sẽ có sự hoàn thiện về mặt đàm phán đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Nhưng trước đó chúng ta phải có những sự kết nối để tạo bàn đạp cho quá trình đàm phán của chúng ta.
Cái thứ ba là các doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp, chúng ta cần kêu gọi những doanh nghiệp hàng đầu của Anh mang công nghệ tiên tiến để đầu tư trở lại vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Với chương trình phục hồi kinh tế xã hội ở trong nước, chúng ta cần những nhà đầu tư chiến lược, đi đường dài với công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và có năng lực quản trị tài chính để đầu tư vào các địa phương của Việt Nam như ở các vùng Tây Nguyên và ĐBSCL.
Đó là cách làm mà có thể nói rằng 2 bên cố gắng tương tác trực tiếp để chạm được vào nhu cầu của nhau.
Trách nhiệm với người tiêu dùng
Trong các cuộc xúc tiến thương mại gần đây tại một số diễn đàn lớn trên thế giới, các lãnh đạo Bộ NN-PTNT hay dùng từ cụm từ nông nghiệp Việt Nam muốn trở thành “đối tác tin cậy”? Ông cắt nghĩa sâu hơn về thông điệp này?
Đối tác tin cậy là một cụm từ rất trân trọng, nó thể hiện tính chất của mối quan hệ. Hiện nay, Việt Nam thực sự đã trở thành một đối tác tin cậy của rất nhiều nước lớn, rất nhiều những khu vực kinh tế lớn.
Trong không gian kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cũng là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển minh bạch, chất lượng cũng như đem tới sự tăng trưởng xanh theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước cũng như các cam kết của Việt Nam với thị trường quốc tế.
Trong thông điệp của chuyến đi lần này cũng bao gồm những thành tố trách nhiệm. Đó là thể hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng, cũng chính là đề cao trách nhiệm của người sản xuất, của người nông dân Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, nông dân phấn đấu trở thành một nghề chuyên nghiệp và trách nhiệm của nghề chuyên nghiệp đó sẽ được bao trùm bằng chính chất lượng sản phẩm, bằng giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và giá trị môi trường của sản phẩm nông sản Việt Nam.
Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ vào 17 Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng trở thành đất nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 trên thế giới và thứ hai ASEAN với kim ngạch xuất khẩu năm nay khoảng trên 50 tỷ USD.
Chúng ta tự hào về những con số đó nhưng chúng ta cũng luôn luôn trăn trở về sự phát triển bền vững. Vậy thì đối tác tin cậy cũng có nghĩa là cho cả chúng ta, cho cả bạn của chúng ta, cho cả người nông dân của chúng ta.
Tôi nghĩ rằng, khi chúng ta lan tỏa được điều đó thì có nghĩa là chúng ta đã vượt qua được không gian của một nền nông nghiệp mà Bộ trưởng nói là còn nhiều manh mún còn nhiều nhỏ lẻ.
Nghĩa là, đối tác tin cậy sẽ là thành tố rất quan trọng cho việc liên kết tin cậy và khi có liên kết tin cậy thì chúng ta mới thực hiện được những ái thắng lợi chung của phát triển nông nghiệp bền vững. Cam kết với quốc tế là thể hiện trách nhiệm của quốc gia, nhất là trong nông nghiệp, không chỉ dừng lại các cam kết của quản lý nhà nước mà là hành vi của toàn xã hội.
Trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất là của người nông dân, người nông dân là những người gieo hạt đầu tiên để tạo ra một sản phẩm nông nghiệp và trách nhiệm đầu tiên cũng đến từ người nông dân.
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy sự chuyển biến rất lớn và một trong những biện pháp then chốt đầu tiên là thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thức ở đây không chỉ từ cơ quan quản lý nhà nước, từ sự điều chỉnh về thể chế mà còn là thay đổi của hành vi trong sản xuất.
Chúng ta tôn trọng những giá trị thực của sản phẩm nông sản, chúng ta không có chạy theo thành tích, chúng ta không chạy theo sản lượng và chúng ta vươn tới những giá trị đầy đủ của sản phẩm nông sản. Bên cạnh giá trị kinh tế còn có giá trị văn hóa và giá trị môi trường.
Người sản xuất giảm thiểu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu tác động hóa học trong nông sản, giảm thiểu những yếu tố ngoại lai và thay vào đó là chúng ta tập trung vào những yếu tố thuận thiên, hữu cơ, thậm chí có thể thay thế một phần thuốc bảo vệ thực vật bằng thiên địch.
Điều này giúp cho sự tăng trưởng của các sản phẩm, đảm bảo sự hài hòa và đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất đầu tiên, cho chính người nông dân đầu tiên sau đó là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đó là những xu hướng phát triển xanh của xã hội đang biến đổi không ngừng như tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh và chúng ta cũng không nằm ngoài những xu hướng được.
Khi mỗi người nông dân điều chỉnh và đứng trên hành vi canh tác của họ với một thái độ sống và trách nhiệm canh tác như vậy thì họ đã góp phần to lớn trong cả một chuỗi giá trị.
Tôi tin rằng, với một sự chuyển đổi nhận thức dù nhỏ thì cũng sẽ đem lại kết quả lớn, mỗi một người nông dân làm một việc nhỏ thì cả một chuỗi ngành hàng sẽ tạo nên giá trị lớn.
Với những hành động đó, quyết tâm đó thì điều mừng nhất là sự chuyển đổi đó đã hiện hữu và nó đã nhận được sự tán đồng của xã hội theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành vào đầu năm 2021.
Xin cảm ơn ông!