| Hotline: 0983.970.780

Cạn dòng Mekong: Bài 2 - Kịch bản nào cho sản xuất không có lũ?

Thứ Ba 06/08/2019 , 07:01 (GMT+7)

Giảm diện tích lúa thu đông và quyết tâm không cho sản xuất ngoài vùng đê bao. Chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện ở những nơi thiếu nước SX. Đó là những kịch bản mà tỉnh An Giang đưa ra lúc này.

Khó khăn cho sản xuất

Chúng tôi tiếp tục đến các xã đầu nguồn của An Giang để lắng nghe những ý kiến của bà con đang mong ngóng lũ. Theo nhiều người dân nơi đây, những năm trước vào cuối tháng 8 âm lịch nước lũ tràn đồng, ngập sâu từ 2-3m mang phù sa bồi đắp đồng ruộng. Vì vậy, các cánh đồng lúa vùng đầu nguồn vụ lúa ĐX luôn cho năng suất cao hơn các vùng khác.

16-04-26_nh_2
Mùa lũ buồn tẻ hơn do không có nước để đánh bắt thủy sản.

Tuy nhiên, thời điểm này nước lũ vẫn chưa về. Nhiều cánh đồng đầy cỏ dại, lúa chét của vụ lúa trước để lại. Trên những con rạch, nước cạn kiệt màu nước trong xanh như thời điểm sau tết.

Ông Trần Văn Phú ở thị trấn An Phú, huyện An Phú chỉ tay xuống kênh Vĩnh Hội Đông nói: Đến thời điểm này mà mực nước dưới sông không lên được khỏi mé bờ. Mọi năm giờ này nước lũ về ngập hơn nửa cột nhà, nước trên ruộng ngập khỏi lưng quần chứ không phải đất nứt nẻ như hiện tại. Đời sống người dân sẽ tiếp tục khó khăn bởi không đánh bắt được cá, tôm. Ruộng rẫy tới đây sẽ bị chuột, sâu rầy phá hoại khiến chi phí sản xuất tăng cao. Sản xuất kém hiệu quả từ lũ nhỏ khiến cho nhiều hộ dân thua lỗ đến nỗi phải sang đất trả nợ.

Lo lắng cho vụ sản xuất vụ TĐ tới đây, ông Nguyễn Hào Phong ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu vừa xuống 2ha trong đê bao nhưng mấy ngày qua phải tốn tiền thuê người bơm nước liên tục vào đồng ruộng để tiến hành cày xới đất xuống giống.

Ông Phong nói: Tôi làm ruộng ở vùng này gần 40 năm nay, mà chưa thấy năm nào như năm nay con nước xuống thấp kỷ lục chưa từng thấy, nguy cơ chuột, ốc bươu vàng tấn công. Những năm trước, vào vụ sản xuất lúa chỉ cần xả bọng nhẹ cái là nước vào ruộng tha hồ xuống giống, đôi khi phải còn be bờ, canh nước cẩn thận sợ nước lũ vào đồng ruộng nhiều gây thiệt hại. Còn năm nay phải bơm nước vào mới có thể xuống giống được.

16-04-26_nh_3
Người dân phải trang bị máy bơm lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay mùa lũ.

Theo ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang) cho biết: Nhiều năm qua lũ về ĐBSCL rất ít, khiến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng thêm. Riêng vụ ĐX năm nay, chi phí dự báo sẽ tăng khoảng 5 - 10%, như thêm phần cày xới đất, công lao động, diệt ốc, chuột, rầy nâu và lượng phân bón cho đồng ruộng.

Lũ lớn gây thiệt hại, khó khăn cho bà con nhưng lũ nhỏ cũng có thiệt hại vì ít cá tôm. Còn người làm lúa cũng sẽ khó khăn, bởi ruộng của họ không rửa được những tồn dư phân, thuốc và mầm bệnh của vụ trước. Ngoài ra, việc không có phù sa bồi đắp cho đồng ruộng cũng là một thiệt thòi lớn cho sản xuất.
 

Giải pháp không lũ

Tại vùng đầu nguồn giáp biên giới Campuchia thuộc tỉnh An Giang, bà con nông dân thu hoạch lúa HT xong cũng đang gặp khó khăn trong việc lấy nước vào các vùng trong đê bao để xuống giống vụ tiếp TĐ. Vùng ngoài đê bao nông dân để cỏ mọc do địa phương khuyến cáo không sản xuất ở các vùng này. Nhiều người tiếc nên trồng mấy loại hoa màu ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập thay vì bỏ đất trống.

16-04-26_nh_4
Mực nước ở các kênh, mương đầu nguồn thấp hơn mặt đất ruộng khoảng 2-3m.

Ông Mai Văn Bộ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú cho biết: Rút kinh nghiệm từ 2 năm qua, nhiều nông dân tự ý xuống giống sản xuất lúa TĐ ngoài đê bao, khi nước lũ về bất thình lình làm thiệt hại. Cụ thể như năm rồi, lũ lên nhanh gây thiệt hại hàng trăm ha lúa ngoài đê bao, địa phương phải huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ bộ đội vào cuộc thu hoạch. Năm nay được dự báo lũ nhỏ nhưng huyện chỉ đạo tuyệt đối đất nằm ngoài đê bao không được sản xuất. Chỉ cho phép sản xuất 6.000 ha lúa TĐ và 2.000 ha rau màu trong đê bao khép kín an toàn.

Tuy nhiên, hiện tại vào mùa lũ huyện đầu nguồn lại gặp khó khăn việc lấy nước vào đồng ruộng sản xuất lúa TĐ. Vì vậy huyện lên phương án đắp các đập tạm và sử dụng hệ thống bơm tưới để trữ nước ở các kênh, mương nhằm đảm bảo nước tưới cho đến khi lũ về. Ngoài ra, địa phương còn khuyến cáo giảm lúa vụ 3, chuyển sang trồng sen hay củ ấu nhằm giảm diện tích lúa tăng rau màu. Dự kiến, đến năm 2020 toàn huyện giảm diện tích lúa lên 1.000 ha chuyển sang trồng các loại cây khác.

Ông Lữ Cẩm Khường, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương để chủ động hướng dẫn người dân sử dụng giống và bố trí các loại cây trồng hợp lý nhằm đảm bảo thu nhập. Đối với các vùng trồng lúa bảo đảm nguồn nước tưới suốt vụ thì chủ động gieo sạ tập trung thâm canh theo vùng để tiết kiệm nước.

Đối với diện tích không đủ nước trồng lúa sẽ chuyển sang cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn và thời gian ngắn hơn. Diện tích không có nước thì chủ động tạm dừng không gieo trồng. Ngành nông nghiệp chỉ đạo thông báo sớm cho người dân chuẩn bị trữ nước sinh hoạt bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương.

16-04-26_nh_6
Đồng ruộng khô, nông dân cày ải đất bỏ đó để đợi lũ về.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Theo dự báo, mùa lũ năm nay sẽ không đến sớm và chỉ ở mức báo động 2 xem như cao nhất. Vậy, so ra mực nước còn thấp rất nhiều so với lũ năm 2018. Nguyên nhân do các nước trên thượng nguồn cũng ít mưa. Đồng thời, xuất hiện hàng loạt đập thủy điện chặn dòng.... Tỉnh An Giang chỉ đạo giảm 20.000 ha lúa vụ lúa TĐ, khuyến khích nông dân chuyển lúa sang các loại cây trồng khác và chăn nuôi nhằm đảm bảo thu nhập ổn định.

Song song đó, địa phương đã hoàn thành kế hoạch ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất lúa ĐX sau Tết. Thoại Sơn và Tri Tôn là 2 huyện có khả năng chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nên cần lưu ý và khuyến cáo nông dân về thời gian bơm nước, đặc biệt tăng cường bơm nước khi có dòng nước từ sông Hậu chảy vào.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ), mực nước trên sông Mekong thấp so với cùng kỳ đó là dấu chỉ cho thấy mùa lũ sắp tới nếu có cũng sẽ rất thấp. Mùa lũ thấp sẽ dẫn tới các hệ quả như phù sa ngày càng ít dần, lượng thủy sản ít, không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa và không rửa được tạp chất khác trong đất. Qua đó làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây trồng khác.

Giải pháp là cần khuyến cáo ngay việc giảm tối đa diện tích sản xuất lúa, trữ nước mưa nhiều nhất có thể. Ngoài ra, tranh thủ những lúc triều cường dâng cao đẩy nước ngọt vào đồng ruộng, cần có giải pháp giữ lượng nước này ở lại. Những khu vực trũng có thể tính tới việc nạo vét cho sâu. Chọn những giống cây trồng ít sử dụng nước để gieo trồng.

Theo Tổng cục Thuỷ lợi, mùa lũ năm 2019 sẽ ít khả năng xuất hiện sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ có thể xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, chỉ ở mức từ báo động 1 đến báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2018.

Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cũng dự báo, ít có khả năng xuất hiện lũ ở ĐBSCL vào đầu mùa. Mực nước cao nhất trong năm 2019 tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn so với TBNN, dao động từ báo động 1 đến báo động 2, xảy ra vào từ nửa cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.

Xem thêm
Ông Bùi Xuân Diệu làm Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình

Ông Bùi Xuân Diệu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.