| Hotline: 0983.970.780

Cạn dòng Mekong: Bài 1 - Khô ráo giữa mùa nước nổi

Thứ Hai 05/08/2019 , 10:05 (GMT+7)

ĐBSCL dù đang có mưa nhiều, nhưng mực nước tại các trạm đo thủy văn dòng chính sông Mekong vẫn thấp kỷ lục. Lũ không về, cái nghèo đang hiện hữu. Đặc biệt, mùa khô tới dự báo ĐBSCL sẽ đón một thời kỳ khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt.

Về nơi đầu nguồn

Ông bà ta có câu "Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ", theo thông lệ hàng năm, thời điểm này mực nước lũ trên thượng nguồn đã về mang theo nhiều tôm cá, phù sa; nhất là, vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Vậy mà hiện tại các huyện đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An chẳng khác mùa khô. Dân vùng rốn lũ không còn cơ hội mưu sinh bằng nghề giăng câu, thả lưới, đặt lọp kiếm cơm khiến cuộc sống khó khăn hơn.

10-08-54_nh_1_-
Sông Vĩnh Hội Đông, nơi đầu nguồn giáp biên giới Campuchia vẫn chưa có lũ.

Đi dọc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An giáp biên giới Campuchia có nhiều tuyến kênh đã cạn khô. Những cánh đồng lúa Hè Thu thu hoạch xong ở ngoài đê bao, đất khô nứt nẻ không sản xuất được lúa vụ 3. Những căn nhà sàn chống lũ trước đây giờ để chất xuồng, ghe, dớn, đáy, lờ, lợp ngóng lũ.

Ngồi nhìn đống lưới dớn sắp hết đát, ông Lê Thanh Tuấn ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) buồn bã nói: Sống ở vùng đầu nguồn hơn mấy chục năm, chưa có thấy năm nào như năm nay. Đã vào mùa lũ gần hai tháng rồi mà không thấy nước đổ về. Trước đây, vào mùa lũ cả xóm làm nghề giăng câu, thả lưới giờ chỉ còn mình tôi bám nghề mà thôi. Nếu không vướng bận việc học hành của hai đứa nhỏ, chắc gia đình tôi cũng kéo nhau lên thành phố làm công nhân.

10-08-54_nh_2-
Ngư dân vùng lũ An Giang và Đồng Tháp buồn bã vì lũ chưa về.

Cùng xóm, ông Nguyễn Văn Thông cho biết: Dân nơi đây toàn là hộ nghèo. Đa phần ít đất sản xuất nông nghiệp nên chỉ dựa vào nghề giăng câu, thả lưới là chính. Năm nay, nhìn sang cánh đồng Campuchia cũng khô hạn, dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở xóm này cũng chẳng biết làm gì.

Đi dọc tuyến biên giới từ thị xã Tân Châu, các huyện An Phú và Tịnh Biên (An Giang) năm nay không khí mua bán thủy sản không còn nhộn nhịp như mấy năm trước. Theo ghi nhận của PV, hiện tại nước vẫn còn màu xanh trong, chưa có dấu hiệu chuyển màu đỏ phù sa.

Ông Đinh Văn Thơm ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) bộc bạch: Tôi sống ở vùng biên giới này từ năm 1960 đến nay nhưng chưa thấy năm nào cạn như vậy. Đến giờ, không có nước đổ về nên rất lo lắng cho việc mưu sinh của gia đình. Thông thường từ tháng năm gia đình tôi đã chuẩn bị mua sắm các dụng cụ đánh bắt thủy sản và ghe xuồng khoảng năm bảy triệu đồng, đợi lũ về là đi mần. Nhưng đợi mãi đến nay vẫn chưa thấy lũ rục rịch về.

10-08-54_nh_5
Xuồng ghe phục vụ trong mùa lũ giờ phơi nắng đợi lũ về.

Theo ông Thơm, mùa này hàng năm những cây cột nhà sàn của ông đã bị ngập sâu cả mét nước. Nước ngập đến đâu sẽ để lại dấu màu vàng phèn in trên cây cột nhà đến đó. Đến giờ nước chưa bò lên nổi mé kênh, cất nhà sàn cao như vậy vừa lỗi thời vừa bất tiện.

Năm nay, gia đình ông Thơm trồng hơn 1 công điên điển phía trước nhà đợi lũ về cho bông kiếm tiền mua gạo ăn qua ngày. Theo ông Thơm, lũ năm nào cao thì điên điển trổ bông nhiều.

Gia đình ông Trần Văn Trân ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) có 20 công ruộng, trong đó có 10 công ngoài đê bao. Mọi năm, tháng này nước đã tràn đồng, phần ngoài đê làm lúa vụ ba thu hoạch không kịp phải nhờ bộ đội giúp. Năm nay, giờ chưa thấy nước và phần ruộng ngoài đê đang để trống.

10-08-54_nh_8
Lũ không về đồng nghĩa không có tôm cá.

Bà con ở đây phần lớn sống nhờ vào nghề đánh bắt cá mùa lũ, năm nay không có nước coi như trắng tay. Tôi cũng chuẩn bị 5 cái dớn với tổng chiều dài 1.000m dự định có nước ra ruộng đặt kiếm cá mà giờ chỉ để không. Nhưng lo nhất là vụ Đông Xuân tới không có lũ sẽ không có phù sa, chi phí tăng cao, lúa bị giảm năng suất. Ngoài ra, mầm bệnh trên ruộng không được rửa trôi sẽ có nguy cơ bùng phát sâu bệnh và chuột tấn công.

Chị Phạm Thị Thúy, chuyên thu mua cá đồng mùa lũ ở chợ Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú cho biết: Mọi năm, giờ là lúc tôi tập trung mua cá linh non đầu mùa từ 100 - 200kg để chuyển lên các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ bán kiếm lời. Năm nay không có lũ cũng chẳng có cá linh non.

Ở gần đó, anh Đỗ Văn Hùng kiểm tra lại giàn lưới mà tiếc rẻ. Theo đó, hàng năm mùa này anh đã xuống dàn lưới dớn dài 1.500m cũng kiếm mỗi ngày từ 20 - 30kg cá linh non bán cho thu nhập hơn 1 triệu đồng.
 

Hộ thất nghiệp tăng

Ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) cho biết: Đến thời điểm này chưa có dấu hiệu nước lũ về.

Hàng năm, toàn xã có khoảng 100 hộ sống chủ yếu nhờ vào nghề đánh bắt thủy sản. Mỗi hộ trừ hết chi phí cũng kiếm trên 30 triệu đồng trong mùa lũ, giờ thì họ gặp khó khăn thật sự. Thậm chí có nhiều hộ chuẩn bị sẵn ngư cụ để sang Campuchia thuê đồng làm, đang phải treo lưới ở nhà.

Ngư lưới cụ treo trên giàn không sử dụng sẽ bị chuột cắn hư hỏng. Nhưng lo nhất là vụ lúa sau vì nước không về chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm trong khi chi phí tăng.

Đặc biệt, sẽ có một lượng lớn lao động tiếp tục dịch chuyển về các tỉnh khác để kiếm việc làm. Qua đó cho thấy kế sinh nhai của cư dân vùng rốn lũ càng bấp bênh hơn.

10-08-54_nh_3
Nhiều dụng cụ được cất giữ ở dưới sàn nhà. Ngư cụ đánh bắt thủy sản để lâu dễ bị hư và chuột cắn phá.

Giải thích năm nay lũ chưa về, ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết: Một năm trung bình sông Mekong có tổng lượng nước là 475 tỷ m3, trong đó lượng mưa tại chỗ ở ĐBSCL chỉ chiếm 11% số đó.

Vì vậy, mực nước ở ĐBSCL phụ thuộc lớn vào lượng nước từ phía trên chảy về. Nước ở lưu vực Mekong ít thì nước ở ĐBSCL ít, kéo theo đỉnh lũ thấp vào giữa tháng 10 ở ĐBSCL và xâm nhập mặn sâu vào khoảng tháng 3 dương lịch, sau Tết Nguyên đán.

Về cách ứng phó, ông Thiện đưa ra khuyến cáo đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu. Chuyện xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại còn do một yếu tố nội tại đó là phần lớn diện tích khu vực này đã có đê bao khép kín không cho lũ vào.

10-08-54_nh_10
Vùng sản xuất lúa ngoài đê bao ở huyện An Phú - An Giang khô nứt nẻ, người dân cày ải để đó.

Về lâu dài cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Lũ vào được 2 vùng này thì bên dưới sẽ bớt ngập, còn bớt đê bao khép kín để nước có thể vào vườn tược. Như vậy sang mùa khô, đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu.

Ông Lưu Văn Ninh, GĐ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang nhận định: Đỉnh lũ năm 2019 được dự báo ở mức thấp, do đó cần xây dựng kế hoạch ứng phó, đặc biệt là tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 và 2020.

Xem thêm
Xuất nhập khẩu đạt mốc gần 800 tỷ USD

Xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng gần 14%, vượt xa so với mục tiêu đề ra (6%).

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.