Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trên 70% bài thi môn Sử đạt điểm dưới 5. Điểm trung bình môn Sử của các thí sinh là 4,3. Cụ thể hơn, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75 điểm.
Điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 ở mức thấp nhất. Ảnh: T.L/Báo Lao động. |
Không phải đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay thì môn Sử mới có kết quả ê chề. Đã liên tục nhiều năm, điểm trung bình môn Sử đều dưới 5.
Năm 2016, điểm trung bình môn Sử là 4,49, năm 2017 điểm trung bình môn Sử là 4,6, năm 2018 điểm trung bình môn Sử là 3,79. Điểm thi năm nay nhỉnh hơn một chút so với năm 2018 nhưng vẫn thấp so với năm 2016 và 2017.
Rõ ràng, thực trạng dạy và học môn Sử đang tồn tại những bất cập mà bất kỳ ai còn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục không thể không lo âu.
Giá trị lịch sử luôn luôn quan trọng với sự trưởng thành của một con người nói riêng và một vùng đất nói chung. Bỏ rơi quá khứ nghĩa là chấp nhận chông chênh với hiện tại và mịt mù với tương lai. Nói cách khác, lịch sử là bệ phóng của sự sinh tồn và sự phát triển cho cá nhân và cộng đồng.
Không biết mình đến từ đâu, không biết cha ông mình thế nào, thì không thể kiến tạo tư duy sống có mục đích và có lý tưởng. Lịch sử đôi khi không chỉ ôm ấp ước mơ mà lịch sử còn thúc đẩy hành động mạnh mẽ. Vậy mà, bẽ bàng thay, môn Sử lại phơi bày bao nhiêu ngổn ngang và trì trệ của công việc dạy và học trong nhà trường phổ thông.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nhược điểm quan trọng là bộ môn lịch sử chưa được đối xử như một môn khoa học thật sự mà nhiều khi chỉ được xem như một công cụ tuyên truyền. Đồng thời, xã hội cũng chưa thật sự coi trọng những giáo viên lịch sử và những người nghiên cứu lịch sử.
Ngoài ra, quy chế và cách thức tuyển sinh vào các trường đại học hiện nay chưa tạo được động lực cho học sinh theo đuổi nghiêm túc môn lịch sử. Phần lịch sử Việt Nam cận hiện đại trong sách giáo khoa cũng được viết một cách thiếu toàn diện, nặng về thành tích quân sự và báo cáo chính trị.
Khi lứa tuổi cắp sách đến trường không yêu thích môn Sử thì kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 là sự phản ánh khá chính xác. Trước thực trạng gây hoang mang và nhức nhối cho cộng đồng, Bộ GD-ĐT hơn một lần kêu gọi đẩy mạnh việc vận dụng các phương pháp, hình thức dạy học tích cực; tổ chức các hoạt động trải nghiệm môn học; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học. Tuy nhiên, nếu môn Sử chỉ là những số liệu và những sự kiện không mấy quyến rũ trên trang sách thì học sinh cũng không mặn mà gì. Cần phải có những hình ảnh mang tính trực quan sinh động.
Bây giờ, phương tiện và kỹ thuật truyền thông rất thuận lợi, tại sao Bộ GD-ĐT không hợp tác với những nhà sản xuất để làm các bộ phim lịch sử Việt Nam? Nếu chương trình dạy và học môn Sử có kèm theo DVD như ở các nền giáo dục tiên tiến khác, thì mọi chuyện sẽ khác.