| Hotline: 0983.970.780

Cân nhắc việc duy trì chính sách tài khóa mở rộng

Thứ Sáu 09/08/2024 , 19:11 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, có thể thắt chặt điều hành chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kết luận hội nghị giao ban tháng 7 của ngành tài chính. Ảnh: MOF.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kết luận hội nghị giao ban tháng 7 của ngành tài chính. Ảnh: MOF.

Có thể dừng từ năm 2025

Tại họp giao ban ban đánh giá kết quả công tác tháng 7 vào sáng 9/8 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đưc Phớc nêu quan điểm, rằng việc điều hành chính sách tài khóa thời gian tới sẽ dần theo hướng trở lại bình thường, sau nhiều năm mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi do ảnh hưởng của Covid-19.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024, ông Phớc đã nhắc vấn đề này. Ông nói thêm, có thể thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025, nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Chính sách tài khóa mở rộng là việc Chính phủ thực hiện các biện pháp như tăng chi tiêu, giảm thuế, hoặc kết hợp cả hai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tổng cầu.

Ngày 30/1/2022, khoảng một năm sau khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cho phép giảm 2% thuế thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức 10%.

Đồng thời, cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ tính thuế năm.

Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... được đồng loạt gia hạn.

Chính phủ cũng tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, lên tới 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, bao gồm các lĩnh vực y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh hưởng lợi từ các chương trình này.

Sau khoảng 4 năm thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, mỗi năm có gần 200.000 tỷ đồng tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Nhờ chính sách tài khóa mở rộng, Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng. Sau khi tụt xuống 2,55% vào năm 2021, nền kinh tế vọt lên 8,02% năm 2022 và 5,05% vào năm 2023.

Tuy nhiên, đánh đổi là lạm phát có xu hướng tăng. Dù có năm thứ 12 liên tiếp duy trì lạm phát một con số, lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 và quý I/2024 tăng lần lượt là 4,16% và 2,81% so với bình quân cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức bình quân lạm phát cơ bản giai đoạn 2018 - 2022 (1,84%).

Mặt bằng giá cả hầu hết chịu sức ép tăng cao so với các giai đoạn trước.

Trước tình hình ấy, người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh việc nghiên cứu, cân nhắc về chính sách tài khóa mở rộng. Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị chuyên môn tiếp tục ưu tiên, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chỉ đạo toàn ngành tài chính quan tâm, đầu tư công nghệ thông tin, nhất là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Đây là 3 lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Gần 200.000 tỷ đồng tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mỗi năm.

Gần 200.000 tỷ đồng tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mỗi năm.

Chống thất thu thuế từ thương mại điện tử

Trong tháng 7, cơ quan thuế, hải quan đã triển khai một số chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7 khoảng 87.200 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Thuế Mai Xuân Thành cho biết, cơ quan đã gửi công văn tới địa phương nhằm phối hợp chống thất thu thuế, nhất là lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến.

Dự kiến vài tháng nữa, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính đưa vào hoạt động Cổng kê khai cho người kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân cách đăng ký kê khai, nộp thuế. 

Phó Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Thọ bổ sung, trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 70 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm ước khoảng 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.

Thuế xuất nhập khẩu tháng 7 đạt 35.650 tỷ đồng, tăng 27% so với dự toán. Tổng thu 7 tháng đạt 337.527 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Với tiến độ này, Tổng cục Hải quan dự báo sẽ vượt dự toán thu ngân sách nhà nước được giao năm 2024.

Ônh Thọ thông tin thêm, việc buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ và đường không, đặc biệt là lối mở tại cửa khẩu. 

Về việc hệ thống hải quan điện tử bị tê liệt từ ngày 6-7/8, ông Thọ nói "rút ra nhiều bài học kinh nghiệm" để triển khai công việc sắp tới.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Chuyến tham quan đặc biệt của 50 nông dân NESCAFÉ Plan xuất sắc

ĐỒNG NAI Nestlé Việt Nam tổ chức chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại Nhà máy Nestlé Trị An, truyền cảm hứng cho nông dân cùng thực hành sản xuất nông nghiệp bền vững.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.