| Hotline: 0983.970.780

Cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với bà con nông dân

Thứ Bảy 18/12/2021 , 21:25 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương phải bắt đầu tư duy kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp như trước đây.

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị tập huấn kiến thức quản lý nhà nước gắn với định hướng phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, diễn ra tại Gia Lai chiều ngày 18/12.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị tập huấn. Ảnh: Quang Yên.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị tập huấn. Ảnh: Quang Yên.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì được thực hiện theo hai hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ.

Theo đó, nội dung quan trọng được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập là “Tầm nhìn, chiến lược, chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực phát triển bền vững ngành NN-PTNT theo hướng “Hợp tác - Liên kết - Thị trường”.

Đề cập đến những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Theo đó, thay vì phát triển theo số lượng, tăng sản lượng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân cần quan tâm đến các biện pháp canh tác bền vững để nâng cao chất lượng, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập một số vấn đề liên quan đến việc thay đổi thói quen sản xuất để làm sao giảm giá thành sản xuất, tăng cường tính kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với bà con nông dân, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhằm tránh bị động, phụ thuộc khi có những biến động về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giữa các quốc gia.

Từ định hướng phát triển chung, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có những liên hệ cụ thể về tình hình sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực. Bộ trưởng cho rằng các địa phương đã biết khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng miền, không chỉ cà phê, hồ tiêu mà còn phát triển mạnh cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng người dân, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Quang Yên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng người dân, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, định hướng phát triển này giữa các địa phương lại có những nét tương đồng với nhau. Vì vậy, vấn đề quan trọng quyết định sự thành công là mỗi địa phương phải biết tìm cho mình hướng đi riêng với những thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Trong đó, người dân, doanh nghiệp chính quyền địa phương phải bắt đầu tư duy kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp như trước đây.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết, đơn vị sẽ liên kết với các HTX, doanh nghiệp và trực tiếp với các hộ nông dân. Công ty thông qua hợp đồng liên kết sẽ hỗ trợ cây giống, phân bón, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

“Khi liên kết với nông dân sẽ hình thành vùng nông nghiệp chất lượng cao. Từ đó doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, người dân yên tâm vì tăng lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp”, ông Khuê nói.

Để tăng hiệu quả sản xuất, ông Đinh Cao Khuê kiến nghị các địa phương cần thực hiện dồn điền, đổi thửa tích tụ ruộng đất trong liên kết đất đai. Các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực công nghệ cao. Đặc biệt, các địa phương cần đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp vì đây là vấn đề then chốt để phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Sáng cùng này, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã đi thăm quy trình trồng, chăm sóc dứa và nhà máy chế biến rau quả của Công ty TNHH Xuất khẩu rau quả DOVECO Gia Lai; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa).

Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, cho biết, đơn vị được thành lập năm 2017. Đến năm 2018, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu Tiêu Lệ Chí và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA) và của Châu Âu (EU).

Theo đó, HTX là đơn vị đầu tiên trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt chứng nhận hữu cơ cho cây hồ tiêu. Thời gian qua, HTX đã định ra được hướng đi cho bà con, giúp tăng sinh kế bền vững, tăng thu nhập từ giá trị của cây trồng, góp phần xây dựng cộng đồng nông nghiệp bền vững cho bà con nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. Ảnh: Quang Yên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. Ảnh: Quang Yên.

Tại các nơi đến thăm và làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, tiềm năng của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên rất lớn. Theo Bộ trưởng nếu biết tận dụng sẽ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân. Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã trao đổi về quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Bộ trưởng, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với người dân, tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập. Trong vấn đề sản xuất nông nghiệp thì việc sản xuất là một chuyện, mà phải làm sao thị trường hóa để được giá tối ưu nhất mới quan trọng.

“Làm sao phải giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá thành nhằm tăng lợi nhuận kinh tế của mỗi ngành hàng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đầu tư chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống quan trắc để quan sát, giám sát quy trình sản xuất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).