| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bỏ tư duy 'sản lượng đứng nhất, nhì thế giới'

Thứ Hai 29/11/2021 , 19:12 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy 'sản lượng đứng nhất nhì thế giới' bằng tư duy mới.

Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sản lượng nhiều nhất không đồng nghĩa với tăng trưởng cao nhất

Ngày 29/11, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại 2 vấn đề lớn. Thứ nhất, từ lâu nay, ngành nông nghiệp vẫn phát triển dựa trên đơn ngành (chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt…) trong khi hiện nay tư duy mới là tích hợp, cộng hưởng đa giá trị.

Thứ hai, ngành nông nghiệp yêu cầu sử dụng nhiều đất đai, chi phí đầu vào thay vì sử dụng yếu tố khoa học công nghệ hay những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

“Bản thân Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã đặt ra những vấn đề mà ngành nông nghiệp cần thay đổi để có thể giải quyết. Cụ thể đó là việc thay đổi tư duy mới chứ không nên giữ tư duy cũ, tư duy sản lượng đứng nhất, nhì thế giới”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nếu muốn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi quan niệm và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. Về khía cạnh kinh tế học, sản lượng nhiều nhất không đồng nghĩa với tăng trưởng cao nhất.

“Những năm gần đây GDP đóng góp cho ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành. Đó là điều mà chúng ta cần lưu ý”, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần phải bỏ tư duy 'sản lượng đứng nhất nhì thế giới'. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần phải bỏ tư duy "sản lượng đứng nhất nhì thế giới". Ảnh: Phạm Hiếu.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng thu nhập của người sản xuất hay giá trị tăng thêm cần phải tiệm cận với sự phát triển của ngành. Chính giá trị tăng thêm mới là yếu tố cần được quan tâm chứ không phải yếu tố sản lượng.

Hiện nay xu thế tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn. Người dân sẽ không mua nông sản dựa trên giá cả mà dựa trên nhiều giá trị không chỉ ngon mà còn phải sạch, bổ dưỡng, sản xuất theo quy trình không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường và sức khỏe của chính người nông dân.

"Toàn bộ những điều đó mới là Chiến lược chứ không phải là việc tăng ngành này, giảm ngành kia. Đó là câu chuyện chúng ta định vị lại những giá trị cối lõi, tiếp cận xu thế tại tất cả những ngành hàng. Chiến lược đó phải hướng đến sự tăng trưởng bao trùm, không chỉ gói gọn cụ thể là bao nhiêu phần trăm mà còn phải tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho bao nhiêu người, phải làm sao để cả xã hội cũng như người nông dân được thụ hưởng sự phát triển của ngành nông nghiệp", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Hướng tới nền nông nghiệp sinh thái

Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Nông nghiệp đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững, cung cấp đầu vào và tài nguyên cho công nghiệp hóa. Xuất khẩu nông sản không ngừng tăng, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản.

Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng cải thiện, kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao.

Tuy vậy, khu vực nông nghiệp nông thôn còn bộc lộ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên; nhiều đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Công tác bảo quản chế biến kém phát triển, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bất ổn. Kết quả xây dựng nông thôn mới của một số vùng còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ hướng đến nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế của người dân nông thôn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ hướng đến nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế của người dân nông thôn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thu nhập nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị, giữa nhóm dân tộc còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, văn hóa xã hội còn nhiều tồn tại, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương đua nhau phát triển công nghiệp để thúc đẩy kinh tế, bỏ qua nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp.

Theo đó, để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN-PTNT đang xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường.

Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa.

Nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế của người dân nông thôn, củng cố và phát triển cộng đồng. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn xanh sạch, đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ tiệm cận với khu vực đô thị. Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Tính đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm giai đoạn 2021-2030.

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn thu hút lao động trong khu vực nông nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%.

Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân khoảng 5-6%/năm giai đoạn 2021-2030, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 60 tỷ USD vào năm 2030.

Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 3 lần năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm.

Phấn đấu đến 2030, cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, xử lý tốt ô nhiễm môi trường nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

Nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42-43%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha vào năm 2030. Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Xem thêm
Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.