Hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập" do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, với sự tham gia của Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên - Môi trường.
An ninh nguồn nước trong giai đoạn hiện nay
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội trình bày báo cáo về vấn đề an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, nước là tài nguyên không thể thiếu đối với cuộc sống của muôn loài, đặc biệt là sinh hoạt, đời sống, sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của con người. Việt Nam có đến 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10km trở lên, có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km2 và trữ lượng nước mặt khá lớn, vào khoảng 843 tỷ m3/năm tuy nhiên phân bố không đều trong lãnh thổ.
Hiện tổng lượng nước được khai thác, sử dụng vào khoảng hơn 80 tỷ m3/năm, chưa đầy 10% so với trữ lượng nước. Tuy nhiên, lượng nước này cũng được sử dụng chưa thực sự hợp lý và hiệu quả.
Ông Dũng nêu ra các thách thức đối với quản lý và an ninh nguồn nước hiện nay là tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên, mùa mưa thì thừa nước gây lũ lụt cục bộ, lũ quét trong khi mùa khô thì thiếu nước, khô hạn, nước mặn xâm nhập.
Với sự gia tăng của dân số, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, trong khi khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân ở một số nơi còn khó khăn.
Ngoài ra, do tác động của biến đổi khi hậu và nước biển dâng đang đe dọa nước ngọt của các con sông, làm giảm diện tích canh tác, làm ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi.
Mặc dù có nhiều cố gắng và có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng việc quản lý, điều tiết nguồn nước vẫn còn một số hạn chế như điều tiết nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, tích trữ nước vào mùa mưa để phòng hạn hán hay vấn đề sử dụng nước lãng phí còn diễn ra ở nhiều nơi.
Một vấn đề nữa cần được quan tâm là ô nhiễm nguồn nước do các họa động sản xuất, sinh hoạt. Có tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc phải tốn chi phí lớn để xử lý mới có thể sử dụng được. Tình trạng suy giảm rừng đầu nguồn, thảm thực vật cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ nước.
Đối với đầu nguồn, việc khai thác quá mức trên các dòng chính của các quốc gia xung quanh làm ảnh hưởng đến lưu lượng và chất lượng nước chảy vào Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, hiện nay, an ninh nguồn nước là vấn đề được cả thế giới quan tâm với nỗ lực giải quyết ở 4 trọng tâm chính đó là: Bảo đảm các hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn; Bảo đảm phát triển bền vững và ổn định chính trị; Người dân được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; Các đối tượng dễ tổn thương sẽ được đảm bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.
Bên cạnh các luật liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước, hiện nay cần có giải pháp quản lý nước một cách tổng thể, phát triển bền vững, giải quyết vấn đề điều tiết nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước.
200 hồ đập hư hỏng, xuống cấp nặng
Về an ninh các công trình hồ đập, Việt Nam đã xây dựng được gần 7.000 đập, hồ thủy lợi, thủy điện, phát huy tốt vai trò trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng chống lũ và tạo tăng trưởng lớn cho các nền kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu, đến nay đã có hơn 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp và 200 hồ đập hư hỏng, xuống cấp nặng, trong điều kiện thiên tai bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Đây là thách thức với các cơ quan quản lý khi vừa phải đảm bảo khai thác, vận hành vừa phải đảm bảo an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân.
"Trước tình hình đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là rất cấp thiết. Cần có sự thay đổi về tư duy trong quản lý, sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả", ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.