| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Hồ đập cạn kiệt, chắt chiu từng giọt nước tưới

Chủ Nhật 05/07/2020 , 09:36 (GMT+7)

Trong bối cảnh nắng hạn gay gắt kéo dài, Bình Định phải chắt chiu từng giọt nước tưới để đảm bảo đủ cung ứng cho cây trồng vụ hè thu và vụ mùa năm 2020.

Tiết kiệm đến mức tối đa

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định, hiện nay, có khoảng 200 HTXNN trên địa bàn toàn tỉnh có quan hệ về nước tưới với công ty. Trong đó, khoảng 30 HTXNN có lực lượng thủy nông nội đồng rất yếu, khiến việc dẫn nước đến ruộng cho nông dân trong những năm quan gặp trắc trở, nhất là không thể thực hiện được việc tưới tiết kiệm.

Nhân viên Công ty TNHH KTCTTL Bình Định dẫn nước tưới từ hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát) về những cánh đồng trong vùng tưới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân viên Công ty TNHH KTCTTL Bình Định dẫn nước tưới từ hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát) về những cánh đồng trong vùng tưới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Phú nêu ví dụ: “Ví như theo quy định của UBND tỉnh là trên tuyến kênh có chiều dài 3 cây số thì công ty có nhiệm vụ dẫn nước đến hết cây số thứ 2, từ đầu cây số thứ 3 trở đi thì thủy nông nội đồng của HTX phải dẫn nước về ruộng cho nông dân. Thế nhưng đối với những HTXNN có đội thủy nông nội đồng yếu, dù nước trong kênh có dào dẫy đến mấy thì ruộng của dân vẫn cứ bị thiếu nước vì không có người dẫn nước vào. Trong tình huống này thì không thể áp dụng phương pháp dẫn nước đúng phiên theo lịch và tưới bằng phương pháp ướt khô xen kẽ để tiết kiệm nước. Đầu vụ hè thu năm nay, dự báo nắng hạn khó lường nên tất cả các HTXNN đều khôi phục lực lượng thủy nông viên nội đồng nên việc dẫn nước tưới đã được cải thiện đáng kể”.

Để nông dân đồng thuận và yên tâm với phương pháp ướt khô xen kẽ, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định còn in hàng ngàn tờ rơi có nội dung nêu rõ công thức tưới và lợi ích do công thức này mang lại phát về tận các HTXNN, hội đoàn thể các địa phương và đến tận tay nông dân.

Rất nhiều hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý trên địa bàn Bình Định đã cạn kiệt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rất nhiều hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý trên địa bàn Bình Định đã cạn kiệt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đặc biệt, ở Bình Định có 2 hệ thống sông lớn là sông Lại Giang và sông Kôn. Dọc 2 con sông này có rất nhiều trạm bơm điện hoặc bơm máy nổ. Từ trước đến nay, khi đồng ruộng trong vùng tưới có nhu cầu thì những trạm bơm nói trên bơm nước “vô tội vạ” gây thoát nước. Trong vụ hè thu năm nay, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đề xuất UBND tỉnh ban hành lịch tưới cụ thể cho từng trạm bơm.

“Tùy công suất của từng trạm bơm và diện tích tưới cụ thể, công ty tính toán là trạm bơm ấy bơm bao tiếng đồng hồ là toàn vùng tưới đủ nước để tham mưu cho UBND tỉnh. Sau đó UBND tỉnh ban hành lịch tưới cụ thể cho từng trạm bơm trên địa bàn toàn tỉnh. Lãnh đạo công ty còn làm việc với lãnh đạo từng huyện, thị xã, đề nghị cấp cho công ty những tờ giấy có đóng dấu dùng để niêm phong trạm bơm. Đến lịch, nhân viên công ty đến mở dấu niêm phong, bơm đúng thời gian thì đóng cửa trạm bơm, dán niêm phong trở lại; đến phiên tưới sau nhân viên công ty lại đến mở dấu niêm phong và cho chạy trạm bơm, cứ thế mà thực hiện”, ông Phú minh họa.

Đảm bảo nước tưới đến hết năm

Nhờ những giải pháp tiết kiệm nước tưới tối đa như đã kể trên, nên dù trong bối cảnh nắng hạn gay gắt kéo dài, nhưng vùng tưới trong trách nhiệm của Công ty TNHH KTCTTL Bình Định vẫn đảm bảo nước tưới cho cả vụ hè thu và vụ mùa 2020.

Các trạm bơm sau khi bơm tưới được niêm phong để tránh việc bơm tưới tràn lan gây thất thoát nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Các trạm bơm sau khi bơm tưới được niêm phong để tránh việc bơm tưới tràn lan gây thất thoát nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN - PTNT Bình Định, để đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu, trước khi vào vụ, đơn vị này đã khoanh vùng nhiều diện tích không được sản xuất do thiếu nước tưới. Trong đó, hệ thống sông Lại Giang có 800ha và hệ thống sông La Tinh có 600ha.

“Nếu nước trong các hồ chứa đầy đủ thì công ty sẽ tưới được 30.000ha lúa vụ hè thu, nhưng do nước thiếu nên phải khoanh bỏ 1.400ha nói trên. Với diện tích còn lại, công ty đảm bảo đủ nước tưới cho đến cuối vụ, hiện cây lúa trong vùng tưới của công ty đang phát triển rất tốt. Đối với cây lúa vụ hè thì còn phải tưới 1 tháng 10 ngày nữa, còn lúa vụ thu thì còn tưới 1 tháng 25 ngày”, ông Phú cho hay.

Cũng theo ông Phú, hiện trong 15 hồ chứa do công ty quản lý có 2 hồ đã cạn nước, đó là hồ Cẩn Hậu ở xã Hoài Sơn (huyện Hoài Nhơn) và hồ Tà Niên ở huyện Vĩnh Thạnh. Tuy nhiên, do linh động trong sản xuất nên 250ha lúa ở xã Hoài Nhơn vượt nắng hạn an toàn dù hồ Cẩn Hậu cạn nước. “Do là xã vùng núi nên 250ha lúa ở xã Hoài Sơn xuống giống vụ đông xuân 2019 – 2020 sớm, thu hoạch xong là gieo sạ vụ hè ngay, nên khi hồ Cẩn Hậu vừa trơ đáy thì diện tích lúa nói trên cũng vừa hết nhu cầu tưới, hiện diện tích này đang cho thu hoạch an toàn. Còn hồ Tà Niên cạn nước từ sau vụ ĐX nên 31ha ở đây không cho sản xuất vụ hè thu. Nếu mùa mưa đến sớm, hồ Tà Niên tích được nước thì mới cho diện tích nói trên sản xuất vụ mùa”, ông Phú cho biết thêm.

Nông dân Bình Định bơm nước tưới lúa hè thu 2020. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân Bình Định bơm nước tưới lúa hè thu 2020. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo kế hoạch, trong vụ mùa sắp tới, Cty TNHH KTCTTL Bình Định có trách nhiệm tưới cho khoảng 4.000ha, tập trung tại hệ thống tưới sông La Tinh với khoảng 3.000ha, còn lại rải rác ở một số vùng ven sông Kôn. Hiện mực nước trong hồ Định Bình còn khoảng 88 triệu khối nước, tưới đến cuối vụ hè thu sẽ còn lại chừng 25 – 30 triệu khối. Trong vụ mùa sắp tới lượng nước còn lại của hồ Định Bình sẽ được công ty cho qua hết tuyến kênh Văn Phong, đưa ra các huyện Phù Cát, Phù Mỹ để phục vụ tưới cho 3.000ha lúa, chỉ cung cấp 1 ít cho hệ thống sông Kôn để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và gia súc gia cầm.

“Một tuần nay do Tây Nguyên có mưa nên Thủy điện An Khê – Ka Nat bổ sung xuống hệ thống sông Kôn Bình Định được lượng nước khoảng 16 – 17 khối/giây, chúng tôi chỉ cần xả của hồ Định Bình khoảng 7 khối giây nữa là đủ cung ứng. Nếu Thủy điện An Khê – Ka Nat không bổ sung lượng nước nói trên thì chúng tôi phải mở nước của hồ Định Bình 22 khối/giây mới đủ cung ứng cho khu tưới Tân An – Đập Đá với 16.000ha và cấp nước cho hệ thống sông La Tinh. Lượng nước tiết kiệm được nhờ nước bổ sung của thủy điện sẽ được dành cung ứng cho vụ mùa”, ông Nguyễn Văn Phú.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.