Việc đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong sức khỏe cộng đồng mà còn là động lực thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế bền vững.
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, trong năm 2024, Cần Thơ đã ký kết giao thương với 17 tỉnh, thành phố, nâng tổng số lên 129 chuỗi sản phẩm, tăng 50 chuỗi so với năm 2023. Đặc biệt, 39 chuỗi sản phẩm đã đạt chuẩn quốc tế như HACCP, ISO và OCOP, tập trung vào các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy sản và nông sản chế biến. Đây là những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, theo báo cáo từ các tỉnh, hiện có 2.502 sản phẩm OCOP được công nhận và sẵn sàng giao thương với TP Cần Thơ. Điều này thể hiện tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy liên kết vùng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và tiêu dùng.
Về phía TP Cần Thơ đã phát triển thêm 24 chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản giao thương với các tỉnh, tập trung vào các sản phẩm thủy sản và nông sản chế biến trong năm 2024. Một số doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty TNHH The Fruit Republic, HTX Sản xuất Thương mại Nhất Tâm, Công ty Cổ phần Thực phẩm Phạm Nghĩa đã xuất khẩu sản phẩm đạt chuẩn quốc tế đến các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 1414/KH-BNN-CCPT của Bộ NN-PTNT, Cần Thơ hiện duy trì 116 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, với 312 sản phẩm được xác nhận. Trong đó, 3 chuỗi cung ứng đạt chuẩn quốc tế đã xuất khẩu hàng nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Hygie & Panacee và HTX Nông nghiệp Lộc Hưng đã đưa sản phẩm như trà thảo dược, đông trùng hạ thảo và trái cây tươi ra thị trường quốc tế, khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Trong năm 2024, TP Cần Thơ đã công nhận 168 sản phẩm OCOP thuộc 87 chủ thể, bao gồm 93 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 75 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Đây là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy giao thương và quảng bá các sản phẩm địa phương đến thị trường rộng lớn hơn.
Để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Cần Thơ đã tăng cường giám sát, kiểm tra sản phẩm từ các tỉnh thành tiêu thụ trên địa bàn. Đến nay, thành phố đã lấy mẫu 20/40 sản phẩm và tiếp tục triển khai kế hoạch truy xuất nguồn gốc. Hoạt động này không chỉ nâng cao niềm tin của người tiêu dùng mà còn giúp cải thiện quy trình sản xuất của các nhà cung ứng.
Trong năm 2024, Cần Thơ đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện xúc tiến thương mại. Điển hình, thành phố phối hợp với Tiền Giang và Lâm Đồng tổ chức hội nghị kết nối giao thương, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như bơ 034, mật ong và lạp xưởng... Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của Cần Thơ còn được trưng bày tại nhiều sự kiện lớn như tuần lễ sản phẩm đặc trưng vùng miền tại TP. HCM, lễ kỷ niệm 30 năm hành trình chất lượng nông sản Việt Nam…
Bên cạnh đó, sự hợp tác với các đơn vị như Tập đoàn Phương Trang (FUTA Express) đã giúp đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử Funong.vn, mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy sản đến các thị trường tiềm năng trên cả nước.
“Nhìn chung, năm 2024, TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, từng bước xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn mở rộng tiềm năng xuất khẩu, góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế trong thời gian tới”, ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ kỳ vọng.