Anh là thị trường quan trọng
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn có những vướng mắc trong khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt các nhu cầu tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh cùng các rủi ro về hợp đồng thanh toán và cách phòng tránh.
Để các doanh nghiệp nông lâm thủy sản của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường Anh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngày 23/6, Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) trước bối cảnh nước Anh đang định hình chính sách thương mại là nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, Vương quốc Anh là đối tác lớn thứ 3 tại khu vực châu Âu, là một trong 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu trên thế giới.
Đối với Việt Nam, Vương quốc Anh hiện đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Âu, Châu Mỹ. Năm 2021, dù phải đối mặt với Covid-19, sự gián đoạn không nhỏ của chuỗi cung ứng nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương Bùi Thị Thanh An, nhìn nhận, từ khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực ngày 1/1/2021 thì kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Anh đã tăng trưởng, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022 sản phẩm của Việt Nam đã xuất hiện tại một số siêu thị lớn của Anh. "Đây là tín hiệu mừng, chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh nhạy tận dụng lợi thế của Hiệp định", bà An nhận định.
Hiện tại, sản phẩm của Việt Nam so với các nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia là những quốc gia có các sản phẩm tương đồng thì họ chưa có thuận lợi về thuế trong ký kết hiệp định thương mại tự do này.
Mặt khác, sản phẩm nông sản của Việt Nam có một số đặc thù, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới về mặt hàng thủy sản, cà phê, tiêu; 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường Anh tăng ngoạn mục, tăng gần 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sắp tới, chính sách của Anh sẽ triển khai một loạt ký kết các hiệp định thương mại tự do với 19 nước, vùng lãnh thổ, áp dụng các cơ chế thương mại tự do, ngoài ra Anh cũng đang triển khai gia nhập CTTTP thì lợi thế về thuế của doanh nghiệp Việt Nam không còn nữa.
Ngoài ra, theo bà An, để vào được thị trường Anh, thì điều đầu tiên vẫn là chất lượng làm sao đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, sản xuất bền vững đáp ứng... đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn rất nhiều trong khâu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, cũng như tăng cường tiếp cận để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết lợi thế hiệp định UKVFTA
Nói về xuất khẩu điều, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ mà ngành điều xuất khẩu thì Anh Quốc là thị trường hết sức quan trọng trong xuất khẩu điều. “Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thị trường xuất khẩu hạt điều vào thị trường Hà Lan, còn Hà Lan lại là quốc gia xuất khẩu số 1 của hạt điều chế biến sâu vào thị trường Anh quốc. Trong khi đó, Hà Lan không có một cây điều, hạt điều nào, tất cả nguyên liệu Hà Lan là nhập, và phần lớn nhập khẩu từ Việt Nam. Điều đó đặt ra cho chúng ta câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa làm được", ông Giang nhìn nhận.
Ông Giang cho rằng, với lợi thế của hiệp định UKVFTA, thuế đối với sản phẩm điều chế biến sâu của Việt Nam vào thị trường Anh là bằng 0. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được các thông tin về bạn hàng, đối tác, tập quán tiêu dùng, thói quen, xu hướng… cũng như chưa tận dụng được cơ hội của hiệp định thương mại tự do UKVFTA.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để tự tin xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Anh, EU, UK, Lộc Trời phát triển chuỗi giá trị bền vững từ giống, phân, thuốc, dịch vụ nông nghiệp…, hợp tác với nông dân thu hoạch vận chuyển về kho, sản xuất, xuất khẩu. Hàng năm, Lộc Trời xuất khẩu đi khắp thế giới trên 100.000 tấn, trong đó xuất khẩu vào EU, UK khoảng 20.000 tấn (chiếm khoảng 20-25% sản lượng).
Để xuất khẩu vào các thị trường này, theo ông Hiếu bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng vùng trồng, tổ chức kiểm soát dư lượng đạt trên 800 hoạt chất mà thị trường yêu cầu, bên cạnh đó các đơn vị cũng phải có các chứng nhận, đó là giấy phép thông hành để người mua tại các thị trường khó tính này họ chấp nhận.
Với kinh nghiệm của người sản xuất đồ gỗ cung cấp ra thị trường thế giới, ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, thị trường Anh là thị trường còn nhiều tiềm năng mà Việt Nam có thể tiếp cận. Trong tương lai, với sự phối hợp của nhiều Bộ, ban ngành, hiệp hội sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gỗ vào thị trường Anh nhiều hơn. Để thâm nhập vào một thị trường, thì đầu tiên phải nghiên cứu đến chất lượng, năng lực sản xuất, thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Thanh cũng cho biết, 10 năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển mạnh, hiện tại năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới ở Châu Á chúng ta đứng thứ 2 sau Trung Quốc, ở trên thế giới đứng ở vị trí thứ 5, trong tương lai sẽ vươn lên vị trí thứ 4. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu gỗ vào thị trường thế giới khoảng 14,8 tỷ đô la, riêng Mỹ là 8,7 tỷ đô la, trong khi đó chỉ xuất khẩu sang thị trường Anh quốc 267 triệu đô la.
Xu hướng sản phẩm phát triển bền vững
Cập nhật về những thay đổi của nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường Anh, ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM kiêm giám đốc Thương mại tại Việt Nam, Phó giám đốc thương mại khu vực Đông Nam Á thuộc Bộ thương mại Quốc tế Anh cho biết, giao thương giữa Việt Nam và Anh Quốc chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước hơn nữa.
"Tháng 5 vừa qua, các đoàn làm việc giữa hai nước đã gặp nhau có những thảo luận chiến lược hợp tác, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Ngoài sản phẩm nông nghiệp như sản phẩm lâm nghiệp, gỗ… còn có các sản phẩm khác của Việt Nam đang xuất khẩu ngày càng tăng vào Anh", ông Oliver Todd nói.
Cũng theo ông Oliver Todd, Việt Nam là một trong 3 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Anh quốc. "Ở Anh, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm cao cấp phát triển bền vững với môi trường, trái đất… Trong năm tới, các nhà nhập khẩu Anh có quá trình thẩm định cẩn thận, sâu sát để đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của Anh Quốc và thỏa mãn mong đợi của người tiêu dùng. Vì vậy, khi xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng theo hướng phát triển bền vững thì sản phẩm của Việt Nam ngày càng được yêu thích", ông Oliver Todd lưu ý.
“Chúng tôi nhận thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế về việc trở thành một trung tâm sản xuất, một cái Hub của khu vực. Chúng tôi muốn tiếp tục phát triển kim ngạch thương mại giữa hai nước, đặc biệt chú trọng khuyến khích các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Oliver Todd, sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt, đã được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến và có thể cung ứng được sản phẩm mà các nước đang có nhu cầu. "Chuỗi cung ứng đang thay đổi, đang tái cấu trúc, đang có nhiều các đơn hàng cho Việt Nam, vì vậy, Việt Nam nên tham gia nhiều hơn chuỗi cung ứng. Với hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, đã gỡ bỏ được nhiều thuế quan cho đa số sản phẩm, một số sản phẩm thuế giảm chỉ còn 7% là cao nhất. Việt Nam muốn cạnh tranh thì phải chuyên môn hóa bên cạnh việc phát triển trên những thế mạnh hiện có để xây dựng uy tín trong chất lượng sản phẩm", ông Oliver Todd đưa ra khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt.
Mặt khác, ông Oliver Todd khuyến khích các doanh nghiệp Việt tận dụng thông tin chính thức trên website của chính phủ Anh để tìm kiếm, hiểu rõ về nhà cung cấp, đối tác để tránh bị "lừa" như vụ việc xảy ra với lô điều Việt Nam vừa qua xuất sang Italy.