Tiếp đoàn có ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Cao Đức Phát - Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại đây, bà Manuela V. Ferro đã tìm hiểu thực tế mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp; kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ mà HTX New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đang ứng dụng trên đồng ruộng.
Đồng thời, bà Manuela V. Ferro cũng đã gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe những chia sẻ của bà con nông dân, lãnh đạo HTX và doanh nghiệp để nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ.
Chia sẻ với báo chí, bà Manuela V. Ferro bày tỏ vui mừng khi đến thăm vùng ĐBSCL - đơn vị tiên phong không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới khi triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB đánh giá, thời gian qua, sự hợp tác 3 bên giữa Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế đã giúp bà con nông dân vùng ĐBSCL ứng dụng công nghệ vào sản xuất thông qua Dự án VnSAT.
Từ đó, bà con đã giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập, nhờ giảm được lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cũng như tiết kiệm nguồn nước và nhân công.
“Rõ ràng công nghệ được áp dụng trong khuôn khổ Dự án VnSAT đã đem lại lợi ích cho tất cả các bên và hoàn toàn có thể áp dụng ở nhiều nơi khác để mở rộng quy mô. Đó chính là lý do tại sao Chính phủ Việt Nam dựa trên nền tảng kết quả của Dự án VnSAT để tuyên bố triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Tôi cho rằng đây là cơ hội tốt cho tất cả người dân Việt Nam cũng như nông dân vùng ĐBSCL nói riêng”, bà Manuela V. Ferro nhấn mạnh.
Về phía Ngân hàng Thế giới, bà Manuela V. Ferro cho biết, WB sẵn sàng hợp tác và đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Riêng tại TP Cần Thơ, WB đã hợp tác chặt chẽ với thành phố hơn 10 năm thông qua nhiều chương trình, dự án. Sau khi tham quan thực tế HTX New Green Farm - một trong những mô hình nhận được sự hỗ trợ từ Dự án VnSAT, bà Manuela V. Ferro tin tưởng, mô hình có thể nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL, mang lại sinh kế cũng như cuộc sống tốt đẹp hơn cho bà con nông dân.
Mặt khác, các địa phương khác trong vùng ĐBSCL cũng có thể học hỏi được kinh nghiệm, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được phát triển trong khuôn khổ Dự án VnSAT của TP Cần Thơ vừa qua.
Dịp này, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và mong muốn WB tạo điều kiện thuận lợi nhất để Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sớm nhận được sự ủng hộ về mặt tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng.
TP Cần Thơ cũng đề xuất Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh tham gia đề án, nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện Dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL”.
Bộ NN-PTNT đã phối hợp với 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa.
Đồng thời, tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất tại 33 vùng sản xuất tập trung với diện tích khoảng hơn 800.000ha và khoảng 540.000 hộ tham gia Đề án.
Các hạng mục đầu tư này cần được tập trung nguồn lực để đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030, vay vốn Ngân hàng Thế giới, với trị giá 430 triệu USD.