Ngày 30/10, Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada nhằm thúc đẩy thương mại nông sản song phương. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn đoàn Canada đã bay nửa vòng trái đất tới thăm và làm việc. Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, chuyến thăm của Bộ trưởng Lawrence MacAulay khẳng định vai trò của nông nghiệp đối với mối quan hệ hợp tác song phương.
Những năm qua, Việt Nam - Canada chú trọng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng đóng góp vào an ninh lương thực thế giới và đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm. Chính phủ Canada đã tài trợ dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”, dự án “Cộng đồng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu” ở Việt Nam, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada mở ra cơ hội cho Việt Nam phục hồi chuỗi cung ứng nông sản, cải thiện đa dạng sinh học, nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ năm 2019 đã thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam - Canada. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản giữa 2 nước tăng từ 623 triệu USD (năm 2017), đến nay đã tăng lên hơn 1 tỷ USD.
Các mặt hàng nông sản Việt Nam như thủy sản, rau, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… xuất hiện nhiều tại các siêu thị ở Canada. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á. Đồng thời, các sản phẩm cua tuyết, tôm hùm Alaska, lúa mì, đậu tương, thịt bò của Canada được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Cùng với đó, Canada xuất khẩu thức ăn chăn nuôi, phân bón cho ngành sản xuất nông nghiệp.
Ông MacAulay chia sẻ: “Chúng tôi đề cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam - quốc gia góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại Canada. Chúng tôi muốn hiểu thêm cơ chế thị trường để đầu tư lâu dài cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Mong rằng doanh nghiệp, nhà khoa học Canada không chỉ là những vị khách mà là những người được chọn để ở lại, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.
Mặc dù thương mại giữa 2 nước thuận lợi, tăng trưởng tốt, Canada vẫn nhập siêu lớn nông sản từ Việt Nam. Nhằm cân bằng cán cân thương mại song phương, các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT đã quyết định bỏ cỏ kế đồng ra khỏi danh sách đối tượng kiểm dịch (cỏ kế đồng có khả năng xâm hại cao, gây hại cho nhiều loại cây, trong đó có đậu tương, lúa mì).
Việc bỏ kiểm dịch cỏ kế đồng sẽ giúp Canada xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm bột mì, đậu đỗ, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sang Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy giá trị nhập khẩu lúa mì Canada vào Việt Nam đã tăng đáng kể, từ 10 triệu USD (năm 2022) lên đến 60 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2023.
"Thương mại nông sản Việt Nam - Canada có thế mạnh lớn, đó là các sản phẩm của hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau chứ không cạnh tranh. Vì thế tôi tin rằng trong thời gian tới, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa song phương sẽ tiếp tục tăng, người dân hai nước tiếp tục được thưởng thức nhiều nông sản của nhau”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nhằm phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, Bộ NN-PTNT mong muốn học hỏi kinh nghiệp của Canada về xây dựng thị trường chứng chỉ carbon, giảm phát thải và chuyển đổi số toàn ngành. Đồng thời, chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Canada đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản sạch của khu vực và thế giới.
Về khả năng mở cửa thị trường cho khoai tây giống và việt quất từ Canada, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo đã cử đoàn công tác, kiểm tra cơ sở trồng trọt, chế biến, thống nhất các điều kiện nhập khẩu với nước bạn. Đại diện Cục Thú y đánh giá cao công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi ở Canada và đã thống nhất tạo điều kiện để nhập khẩu sản phẩm thịt lợn từ Canada.
Hai Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cam kết sẽ tăng cường hợp tác về an toàn thực phẩm, và thương mại nông sản sớm đạt 10 tỷ USD như kỳ vọng của Thủ tướng hai nước. Qua đó, phát triển nông nghiệp sẽ góp phần đưa mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai quốc gia lên tầm cao mới trong giai đoạn tiếp theo.