"Đất nước Việt Nam của chúng tôi, cũng như các quốc gia khác trong khu vực ASEAN và các quốc gia đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản may mắn được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan đẹp đẽ, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Nhưng cùng với những ưu đãi to lớn, khu vực của chúng ta chưa khi nào ngừng hứng chịu những cơn thịnh nộ khắc nghiệt, dai dẳng của thiên nhiên", Bộ trưởng Lê Minh Hoan mở đầu bài diễn văn sáng 12/10, khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai tại Quảng Ninh.
Trên cương vị Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM), Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM), ông nhìn nhận rằng thiên tai không còn là vấn đề của một quốc gia, một khu vực. Tình hình thiên tai năm 2023 vừa qua với nhiều trận động đất, lũ lụt, cháy rừng... diễn ra thảm khốc trên khắp thế giới.
10 quốc gia ASEAN, tương lai là 11 quốc gia với sự gia nhập của Timor Leste, đoàn kết thành một khối, chung tay chia sẻ trong hoạn nạn cũng như đồng tâm chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và vật lực, cơ chế hỗ trợ lẫn nhau là vô cùng cần thiết, theo Bộ trưởng.
Nhắc lại câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp Việt Nam bày tỏ: "Chúng ta cần xây dựng cộng đồng với khả năng chống chịu cao và phục hồi bền vững trước thiên tai và thảm họa. Đây cũng là tinh thần của các nhà lãnh đạo ASEAN trong Tuyên bố "Một ASEAN, Một Ứng phó: ASEAN ứng phó với thiên tai trong và ngoài khu vực như một thể thống nhất".
Trong năm làm Chủ tịch AMMDM, Việt Nam đã và đang thúc đẩy chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và Tăng cường chống chịu: ASEAN tiến tới mục tiêu Lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai: chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Năm 2023 là mốc quan trọng với ACDM, khi đánh dấu 20 năm thành lập. Trong năm, ACDM đã đạt nhiều kết quả nổi bật như thông qua Tuyên bố ASEAN về Khả năng chống chịu bền vững, Tuyên bố Hạ Long về tăng cường Hành động sớm trong quản lý thiên tai, sửa đổi các quy định đóng góp tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (ADMER)...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận xét: "Thông qua sự điều phối của ACDM, công tác hợp tác quốc tế về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, tầm cao mới".
Cảm ơn sự hiện diện của các Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ phụ trách về quản lý thiên tai các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, vị Chủ tịch AMMDM tin tưởng, buổi lễ hưởng ứng và toàn bộ hội nghị hôm nay đã cho thấy tầm quan trọng, hiệu quả của cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai cũng như sự quan tâm lớn lao của các đối tác đối với ASEAN.
Sau sự kiện sáng 12/10, chuỗi kỷ niệm ngày ASEAN Quản lý thiên tai và Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai sẽ tiếp tục vào sáng 13/10, được tổ chức tại trường Tiểu học và THCS Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Chuỗi sự kiện tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nhân kỷ niệm ngày ASEAN Quản lý thiên tai và Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2023.
- Ngày 6/10: Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động trong tuần lễ kỷ niệm.
- Ngày 8/10: Giải chạy bộ hưởng ứng Ngày ASEAN Quản lý thiên tai được tổ chức tại bãi biển Hòn Gai, TP. Hạ Long, với sự tham gia của 1.000 vận động viên.
- Ngày 9/10: Họp thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM).
- Ngày 10/10: Họp lần thứ 19 Ban quản trị Trung tâm AHA; Diễn đàn ASEAN lần thứ 4 về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.
- Ngày 11/10: Các cuộc họp ACDM + Trung Quốc, ACDM + Nhật Bản, ACDM + Hàn Quốc; Hội thảo hợp tác công tư ASEAN - Nhật Bản về các chính sách và công nghệ lần thứ 2.
- Ngày 12/10: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11; Hội nghị AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản, AMMDM + Hàn Quốc.
- Ngày 13/10: Sự kiện hưởng ứng Ngày ASEAN Quản lý thiên tai và Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức tại trường Tiểu học và THCS Bãi Cháy, TP Hạ Long.