Giá kỷ lục do thiếu hụt nguồn cung
Một trong những nguyên nhân chính giúp cho giá cà phê trên thế giới và Việt Nam đạt những mức kỷ lục, thậm chí là ngoài dự đoán trong niên vụ cà phê 2023-2024 (vừa kết thúc vào tháng 9/2024), là thiếu hụt nguồn cung cà phê Robusta.
Theo Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2023-2024 là một niên vụ có biến động giá cao và nhanh nhất trong các niên vụ cà phê từ trước đến nay. Nguồn hàng xuất khẩu đã thiếu từ cuối vụ 2022-2023, dẫn tới giá cà phê tăng cao liên tục từ đầu vụ 2023-2024. Thời điểm cao nhất trong niên vụ, giá cà phê ở mức 125.000 đ/kg.
Trên thị trường thế giới, niên vụ 2023-2024 cũng là niên vụ cà phê có giá rất cao, đặc biệt cà phê Robusta có giá cao kỷ lục trong vòng hơn 30 năm qua, qua đó rút ngắn khoảng cách giá cà phê kỳ hạn giữa London và New York có lúc chưa đến 20 cent/lb. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), cho biết, trải qua mấy chục năm kinh doanh cà phê, đây là lần đầu tiên trong đời ông thấy giá cà phê Robusta vượt mốc 5.000 USD/tấn trên sàn giao dịch London.
Nhờ giá cao kỷ lục mà trong niên vụ 2023-2024, dù lượng xuất khẩu chỉ đạt chưa tới 1,5 triệu tấn nhưng kim ngạch lại đạt kỷ lục 5,43 tỷ USD.
Nhiều dự báo sản lượng niên vụ mới
Bước vào niên vụ cà phê 2024-2025 (từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025), giá cà phê vẫn đang ở mức rất cao so với trước đây. Tại khu vực Tây Nguyên, trong tháng 10/2024, giá cà phê đang duy trì ở mức hơn 100 nghìn đồng/kg.
Do giá cà phê đang tiếp tục ở mức cao khi đã vào vụ mới, nên đã có những câu hỏi đặt ra về sản lượng cũng như nguồn cung cà phê Việt Nam và thế giới, nhất là cà phê Robusta (loại cà phê chính của Việt Nam) trong niên vụ 2024-2025.
Theo ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh văn phòng Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), có rất nhiều dự báo dưa ra những dự kiến sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2024-2025 (từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025) và sản lượng cà phê ở những nước sản xuất hàng đầu là Brazil, Việt Nam, Colombia …
Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2024-2025 ước tính đạt khoảng 59,7 triệu bao (1 bao = 60 kg). So với niên vụ 2023-2024, sản lượng niên vụ 2024-2025 dự kiến tăng 4,8% nhờ năng suất trung bình tăng 3,6% và diện tích tăng 1,2%. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica ước chừng đạt 42 triệu bao, tăng 6,5% so với vụ trước; còn cà phê Robusta/Conilon đạt khoảng 17,7 triệu bao do diện tích giảm 3,3% và năng suất giảm 1,1%.
Theo hãng tin StoneX, tại hội nghị thượng đỉnh cà phê Victoria, thủ phủ của bang Espirito Santo (Brazil), được tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/9/2024, các thông tin cho thấy, trong niên vụ cà phê 2024-2025, sản lượng cà phê của Brazil dự kiến sẽ đạt 65,9 triệu bao, trong đó Arabica là 44,7 triệu bao, Robust là: 21,7 triệu bao.
Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ở niên vụ cà phê 2024-2025 tổng sản lượng cà phê của Brazil dự kiến đạt 69,9 triệu bao, trong đó Arabica là 48,2 triệu bao và Robusta là 21,7 triệu bao.
Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (Conab) đã đưa ra ước tính lần thứ ba khi 96% diện tích cà phê đã được thu hoạch ở Brazil. Theo ước tính của Conab, sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2024-2025 đạt 54,79 triệu bao, giảm 0,5% so với vụ thu hoạch 2023-2024. Trong đó, ước tính sản lượng cà phê Arabica đạt 39,59 triệu bao, cao hơn 1,7% so với vụ thu hoạch trước, trong khi Robusta/Conilon đạt 15,2 triệu bao giảm 6%.
Sản lượng cà phê Việt Nam (nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới) cũng có nhiều dự báo khác nhau. Theo báo cáo của USDA, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024-2025 dự kiến khoảng 29 triệu bao, trong đó xuất khẩu 24,4 triệu bao, còn 4,6 triệu bao tiêu thụ nội địa.
Một số dự báo khác cho rằng trong niên vụ 2024-2025, sản lượng cà phê Việt Nam ở mức trên dưới 1,6 triệu tấn (26-27 triệu bao).
Colombia dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 của nước này sẽ có thể lên đến con số 12,4 triệu bao, tăng 1,65% so với niên vụ 2023-2024. Sản lượng cà phê niên vụ 2024/2025 của Indonesia dự báo từ 7,5 đến 11 triệu bao.
Nguy cơ dư thừa cà phê
Theo VICOFA, trước năm 2022, do giá cà phê xuống quá thấp, nhiều nông dân ở một số vùng trồng cà phê đã chuyển đổi cây trồng sang sầu riêng và các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều nông hộ lại thực hiện trồng xen (hồ tiêu, sầu riêng …) trong vườn cà phê, nên số cây cà phê cũng như sản lượng cà phê trong vườn giảm hẳn. Số liệu diện tích cà phê đã chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc đã trồng xen hiện rất khó xác định cụ thể và chính xác.
Trong 2 năm gần đây, do giá cà phê tăng cao, việc đầu tư chăm sóc vườn cà phê của người nông dân được tốt hơn. Bên cạnh đó, Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020, đã có hiệu quả tích cực, giúp cho năng suất, sản lượng vườn cây tăng cao, nhất là ở các tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai.
Từ năm 2022 đến nay, khi giá cà phê tăng cao, ở nhiều vùng cà phê ở Việt Nam và trên thế giới, người nông dân ngoài việc đầu tư chăm sóc vườn cây, đã mở rộng diện tích trồng mới cây cà phê.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, đến cuối năm 2023, diện tích cà phê cả nước đã tăng lên 718 nghìn ha và đang tiếp tục mở rộng trong năm 2024 khi nhu cầu cây giống cà phê trên thị trường đang tăng. Năng suất cà phê cũng đang tăng lên. Nếu như 2-3 năm về trước, năng suất bình quân của cà phê Việt Nam ở mức 2,7 tấn/ha, đến năm 2023 đã ở mức bình quân khoảng 2,9 tấn/ha.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, diện tích cà phê cũng đang có xu hướng tăng lên do giá cà phê tăng cao. Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê, chia sẻ, khi giá cà phê trên thị trường thế giới lên ở mức 3.000 USD/tấn, là nhiều nước như Uganda, Kenya, Tanzania, Ấn Độ … đã muốn mở rộng diện tích cà phê. Không chỉ cà phê Arbica và Robusta, thậm chí cà phê Liberica (cà phê mít) vốn ít phổ biến hơn, cũng có những nước muốn mở rộng diện tích sản xuất. Vì vậy, ông Bình lo ngại trong vài ba năm tới, sản lượng cà phê có thể tăng ở mức bùng nổ trên toàn cầu.
Trước nguy cơ tăng trưởng nóng về diện tích, sản lượng cà phê trên thế giới, VICOFA cho rằng, cần phải có sự cảnh báo để không dẫn đến khủng hoảng thừa cà phê như những năm đầu thập niên 2000. Còn theo ông Nguyễn Quang Bình, người làm cà phê ở Việt Nam không nên chạy theo số lượng mà cần tính toán kỹ càng để đạt được hiệu quả tốt nhất, vì khi sản lượng cà phê tăng cao, chắc chắn giá cà phê sẽ phải giảm mạnh.