| Hotline: 0983.970.780

Cao Bằng cần hàng trăm tỷ đồng sửa chữa hồ thủy lợi xuống cấp

Thứ Sáu 25/10/2024 , 16:26 (GMT+7)

Tỉnh Cao Bằng hiện có 21 hồ thủy lợi cần sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất và an toàn hồ đập ứng phó với thiên tai.

Hồ Bản Viết (huyện Trùng Khánh) bị hư hỏng cần sửa chữa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hồ Bản Viết (huyện Trùng Khánh) bị hư hỏng cần sửa chữa. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hồ Bản Viết (huyện Trùng Khánh) là một trong những hồ chứa nước quan trọng của tỉnh Cao Bằng. Đây là hồ thủy lợi đã được xây dựng từ năm 1971, diện tích mặt hồ khoảng 5ha, đảm bảo nước tưới cho 163ha đất sản xuất nông nghiệp. Trải qua thời gian dài sử dụng, dưới tác động của mưa bão, hiện nay hồ đã xuất hiện hư hỏng, tràn xả nước có hiện tượng thấm chảy thành dòng ra một số vị trí xung yếu của bê tông bản đáy.

Ngoài ra tường đoạn đầu đốc nước, đất đá nền dốc tràn của hồ Bản Viết có hệ số thấm lớn vượt mức cho phép và bị rỗng nền phía dưới bản đáy dốc tràn, cần các biện pháp nâng cấp sửa chữa đảm bảo an toàn công trình. Bên cạnh đó, đường quản lý là đường đất lầy lội vào mùa mưa, sụt sạt nhiều vị trí, nhà quản lý xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị phục vụ quản lý vận hành thiếu thốn, chưa có thiết bị quan trắc.

Ngành chuyên môn tỉnh Cao Bằng đã khuyến nghị giải pháp xử lý khoan phụt chống thấm nền thân đập, tràn xả lũ, mở rộng đỉnh đập, tu sửa đống đá tiêu nước, lắp đặt thiết bị quan trắc, làm lại nhà quản lý.

Tại hồ Phia Gào, xã Đức Long (huyện Hòa An), công trình này cũng bị thấm mạnh ở cao trình 1/3 chiều cao đập trở lên, mái đá lát thượng lưu bị sạt lở, mái hạ lưu kết cấu rãnh bị hỏng, mái đập nhiều chỗ bị xói lở, đập chưa có đống đá thoát nước.

Hiện 2 công trình này đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1421/QĐ- BNN ngày 07/4/2023, tổng mức đầu tư là hơn 50 tỷ đồng.

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Cao Bằng có 21 hồ chứa cần sửa chữa nâng cấp, trong đó 15 hồ chứa lớn, 1 hồ chứa quy mô vừa và 5 hồ chứa nhỏ, tổng nguồn vốn cần hơn 155 tỷ đồng.

Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đa phần diện tích tưới nhỏ, phân tán, các công trình ở nhiều địa hình phức tạp có độ dốc lớn nên rất dễ bị ảnh hưởng do thiên tai. Phần lớn công trình thủy lợi đã được đầu tư từ lâu, qua thời gian khai thác nhiều năm đã xuống cấp. Cao Bằng là tỉnh miền núi, nguồn kinh phí của địa phương bố trí cho công tác phát triển thủy lợi rất hạn hẹp, các công trình thủy lợi cần sửa chữa, nâng cấp, bảo trì sử dụng nguồn vốn lớn nên rất khó khăn.

Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng hiện quản lý, khai thác 19 hồ chứa nước. Doanh thu của công ty năm 2023 đạt 30,5 tỷ đồng, trong số này có hơn 12,8 tỷ đồng thu từ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, còn lại chủ yếu là ngân sách tỉnh cấp để sửa chữa công trình, chống hạn và phòng chống thiên tai. Trước tình trạng nhiều công trình hồ chứa nước xuống cấp, đơn vị không có kinh phí sửa chữa, cần nguồn lực từ tỉnh và trung ương hỗ trợ.

Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng cho biết: Hiện nay một số hồ chứa do công ty quản lý xây dựng lâu năm đã có hiện tượng thấm, rò rỉ qua thân đập nguy cơ mất an toàn đập như hồ Khuổi Lái,  hồ Co Po, hồ Thôm Cải, hồ Khuổi Áng, hồ Thôm Rảo, hồ Phia Gào. Do giá dịch vụ công ích thủy lợi từ năm 2013 đến nay chưa thay đổi nên nguồn thu của công ty đạt thấp, kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo trì công trình gặp nhiều khó khăn.

“Năm 2024, do mưa lũ, nhiều công trình bị hư hỏng nên công ty càng khó khăn, hiện nay chỉ dành một phần kinh phí để khơi thông hệ thống mương, sạt lở nhỏ để đảm bảo nước sản xuất cho vụ xuân sắp tới”, ông Thành cho biết thêm.

Nhiều hồ thủy lợi ở Cao Bằng xuống cấp, cần kinh phí sửa chữa lớn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Nhiều hồ thủy lợi ở Cao Bằng xuống cấp, cần kinh phí sửa chữa lớn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bà Ma Thị Huyền Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cao Bằng cho biết, bằng nhiều nguồn vốn, năm 2023 toàn tỉnh sửa chữa, nâng cấp được 83 công trình thủy lợi, tổng kinh phí gần 56 tỷ đồng nhưng chủ yếu là sửa chữa kênh mương, còn đối với các hồ chứa cần nguồn vốn lớn nên việc sửa chữa, nâng cấp khó thể thực hiện.

“Hàng năm ngành chuyên môn cũng tham mưu cho tỉnh cân đối nguồn vốn để sửa chữa một số hồ thuộc diện cấp bách. Nhưng về lâu dài để sửa chữa, nâng cấp hết số hồ chứa đã xuống cấp cần nguồn lực hỗ trợ từ trung ương”, bà Linh thông tin thêm.

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.