Vụ mùa năng suất hay không là do trời
Nhiều khu vực vùng cao của tỉnh Cao Bằng khó xây dựng các công trình thủy lợi do thiếu nguồn nước, địa bàn bị chia cắt. Nhiều nhất tại huyện Hà Quảng (vùng lục khu) và huyện Bảo Lạc (tập trung ở các xã giáp biên giới).
Ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Vùng núi đá, không có nguồn nước thì việc xây dựng hồ thủy lợi sẽ không hiệu quả và gây ra lãng phí tiền Nhà nước. Mặc dù chưa hoàn thiện về hệ thống thủy lợi, nhưng huyện Bảo Lạc và cơ quan của tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực đầu tư các công trình thủy lợi vào những nơi thuận lợi để phục vụ tưới tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, huyện Bảo Lạc đã chủ chương hướng cho người dân phát triển các loại cây trồng phù hợp hơn, thích ứng với thời tiết như cây ngô và một số loại cây dược liệu có giá trị cao.
Còn tại vùng núi đá Lục Khu của huyện Hà Quảng, gồm 12 xã vùng cao giáp biên giới được mệnh danh là cao nguyên khát. Với phần lớn diện tích tự nhiên là núi đá, khan hiếm nguồn nước, người dân ở đây muốn sử dụng nước sinh hoạt hoặc canh tác nông nghiệp đều phải "nhờ trời” có tạo “mưa thuận gió hòa” hay không?
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng, diện tích đất nông nghiệp của huyện khá lớn, người dân trong huyện đa số phát triển kinh tế nhờ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng công trình thủy lợi của huyện vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đủ năng lực tưới tiêu cho nhiều địa phương, đặc biệt là các xã ở vùng cao Lục Khu.
Diện tích đất nông nghiệp toàn huyện Hà Quảng là hơn 40.000 ha, trong đó có hơn 1.400 ha đất trồng lúa; hơn 6.000 ha đất trồng cây hang năm. Hà Quảng có có 3 hồ chứa, 6 trạm bơm điện, hơn 200 km mương với năng lực tưới tiêu trên 1.000 ha.
Thiếu nguồn lực đầu tư
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 3.655 hệ thống công trình thuỷ lợi, phần lớn các công trình có quy mô vừa và nhỏ. Bao gồm 23 hồ chứa nước do cấp tỉnh quản lý, trong đó có 5/23 hồ chứa nước đạt dung tích thiết kế, 9/23 hồ chứa đạt dung tích từ 69 – 96% theo thiết kế và còn lại 9 hồ chứa dung tích đạt thấp hơn so với thiết kế (như huyện Hà Quảng có hồ Thôm Cải đạt 7%, hồ Bản Nưa đạt 31%; huyện Hòa An có hồ Phja Gào đạt 17%; huyện Trùng Khánh có hồ Bản Viết đạt 41%,…)
Tỷ lệ kiên cố kênh mương của tỉnh Cao Bằng chỉ đạt 57,3%, con số rất thấp so với các tỉnh lân cận (là hơn 70%). Trong đó có nhiều công trình đã được đầu tư, xây dựng từ những năm 2000 trở về trước, qua nhiều năm khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đầu tư các công trình thủy lợi là cần thiết, giúp nhân dân có điều kiện canh tác tốt hơn và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách địa phương của tỉnh Cao Bằng rất hạn hẹp, nên việc bố trí kinh phí cho các công trình phòng chống thiên tai, các công trình thủy lợi còn gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục đầu tư các công trình vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, hoặc bố trí bằng nguồn vốn khác của Bộ với tổng vốn đầu tư là 899 tỷ đồng; xem xét tiếp tục bố trí nguồn kinh phí chống hạn hằng năm để chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất cho nhân dân.