| Hotline: 0983.970.780

Hồ Khuổi Khoán - Công trình 'giải khát' cho 454ha

Thứ Hai 07/10/2024 , 09:13 (GMT+7)

Cao Bằng Hồ Khuổi Khoán hiện lên vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, nguồn nước từ hồ thủy lợi này đã giải 'cơn khát' cho hàng trăm ha đất sản xuất, giúp mùa màng bội thu.

Công trình hùng vĩ trên rẻo cao

Hồ Khuổi Khoán chỉ cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 10km, nhìn từ trên cao, hồ như dải lụa uốn lượn quanh các sườn núi, mặt nước hồ trong xanh, trong lòng hồ có những cây ngập nước tạo nên vẻ đẹp nên thơ.

Khuổi Khoán là một trong những hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Khuổi Khoán là một trong những hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hồ Khuổi Khoán, xã Ngũ Lão (huyện Hòa An) khởi công xây dựng từ tháng 7/2016 với tổng mức đầu tư hơn 374 tỷ đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác đầu năm 2020, đây là một trong những hồ chứa thủy lợi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Các hạng mục chính của dự án gồm: đập, cống, van điều tiết trên tràn, nhà quản lý, đường quản lý, hệ thống kênh và công trình trên kênh.

Hồ có dung tích chứa 3,7 triệu m3 nước, lòng hồ sâu 31m. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đảm bảo nước tưới tiêu cho khoảng 454ha đất sản xuất của một phần huyện Hòa An và hai xã Hưng Đạo, Vĩnh Quang (TP. Cao Bằng).

Theo thiết kế, phần hạng mục đầu mối của hồ Khuổi Khoán gồm đập đất và khu vực lòng hồ có cao trình đỉnh đập 240.26m được gia cố bằng tấm bê tông, phía hạ lưu có rãnh tiêu nước kết hợp gia cố trồng cỏ. Đỉnh đập là mặt đường bê tông và tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép.

Cống lấy nước chiều dài 148m, nhà tháp có diện tích gần 8m2, tràn xả lũ dài hơn 421m. Hồ Khuổi Khoán có thiết bị quan trắc gồm thiết bị đo áp lực, đo lún sâu, đo chuyển vị đứng, chuyển vị ngang, đo lưu lượng nước mặt.

Phía hạ du hồ Khuổi Khoán, từ tràn xả nước trở đi đã xây dựng hệ thống các tuyến kênh dẫn nước đến khu sản xuất. Trong đó kênh chính dài hơn 500m, kênh chính phía đông dài hơn 4km, kênh chính phía tây gần 2.500m, kênh nhánh đông gần 600m, kênh nhánh tây dài 545m và hệ thống kênh nội đồng dài hơn 21km. Tổng chiều dài hệ thống kênh dẫn nước gần 30km.

Ngoài ra, dự án hồ thủy lợi Khuổi Khoán còn một loạt hệ thống cống chia nước, cống tưới, cầu qua kênh, cống qua đường và nhà điều hành.

Những ngày này, mực nước trong lòng hồ dâng cao, cán bộ thủy nông luôn túc trực, thường xuyên kiểm tra mực nước, lượng nước xả về phía hạ lưu. Đi một vòng kiểm tra thân đập, một cán bộ quản lý hồ nói, hồ mới đưa vào sử dụng được 4 năm nên chưa xuất hiện các vị trí hư hỏng.

Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng cho biết, hồ Khuổi Khoán là hồ chứa nước lớn của tỉnh, có vai trò rất quan trọng cung cấp nước sản xuất. Mùa mưa lũ, đơn vị cho cán bộ đi kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để có phương án xử lý kịp thời.

“Hồ có dung tích lớn nên tích nước đảm bảo tưới vào mùa khô. Trước đây, khi chưa có hồ bà con chủ yếu dùng nước tự chảy nên mùa khô rất khó khăn, bây giờ đảm bảo nước phục vụ sản xuất quanh năm”, ông Thành cho biết.

Dự án hồ Khuổi Khoán xây dựng đồng bộ từ hồ chứa đến hệ thống kênh, mương dẫn nước về đồng ruộng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Dự án hồ Khuổi Khoán xây dựng đồng bộ từ hồ chứa đến hệ thống kênh, mương dẫn nước về đồng ruộng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Do có vị trí gần trung tâm thành phố, phong cảnh đẹp, hiện nay, UBND thành phố Cao Bằng đang định hướng lập quy hoạch phát triển du lịch hồ Khuổi Khoán trên phần diện tích thuộc xã Vĩnh Quang.

Mùa màng bội thu

Trên cánh đồng lúa ở xã Vĩnh Quang (thành phố Cao Bằng), bà Lô Thị Thực (xóm 5) hồ hởi bắt chuyện chúng tôi, trước đây toàn bộ cánh đồng lấy nước tự chảy, mùa mưa thì không thiếu nhưng mùa khô rất khó khăn. Lúc đó ngoài nước chảy theo mương phải bơm dưới suối lên nên rất vất vả, phải chờ nhiều ngày. Bây giờ có hồ thủy lợi Khuổi Khoán, nước về nhiều, bà con sản xuất cũng thuận lợi hơn.

Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng quản lý, khai thác hồ Khuổi Khoán. Ảnh: Quang Linh. 

Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng quản lý, khai thác hồ Khuổi Khoán. Ảnh: Quang Linh. 

“Gia đình có 5.000m2 ruộng, bây giờ có phân bón, có đủ nước nên cũng đủ ăn quanh năm, mỗi vụ còn thừa ra mấy bao thóc để bán mua thức ăn, đời sống đỡ vất vả hơn trước nhiều”, bà Thực chia sẻ.

Rong ruổi trên những cánh đồng ở xã Vĩnh Quang, chúng tôi tận mắt thấy hệ thống mương nội đồng cũng đã được đầu tư khá bài bản. Từ kênh chính, các mương nhỏ đã được đấu nối hoàn chỉnh đến tận chân ruộng.

Thấy chúng tôi từ xa, bà Đoàn Thị Oanh (xóm 6) đã cất lời hỏi thăm, tay vừa nhặt cỏ, bà Oanh vừa chia sẻ, nhà có 4.000m2 ruộng, trước đây khi vào vụ phải chờ nước từ trạm bơm. Ruộng của gia đình lại ở rất xa trạm bơm nên phải chờ những ruộng ở trên có đủ nước rồi nước mới đến ruộng của mình. Vào mùa khô việc lấy nước khó khăn hơn, có khi phải chờ nhiều ngày. Từ ngày có hồ Khuổi Khoán, nhà nước xây dựng hệ thống kênh, mương dẫn nước về tận đây nên rất thuận lợi.

“Dù nguồn nước của hồ dồi dào nhưng quan trọng là hệ thống kênh, mương dẫn nước về khá hoàn chỉnh nên mới thuận lợi như vậy. Bây giờ bà con có thể làm 3 vụ mà không cần lo lắng về nước tưới nữa”, bà Oanh cho biết.

Ông Tạch Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang cho biết, xã có hơn 200ha đất trồng lúa, 5ha trồng cây màu, 65ha trồng ngô, cơ bản đủ nước sản xuất quanh năm. Trước đây ngoài nguồn nước tự chảy, người dân phải phụ thuộc trạm bơm nước từ dưới sông lên, khi có hồ Khuổi Khoán và hệ thống mương nội đồng dần hoàn chỉnh, nguồn nước phục vụ sản xuất luôn đảm bảo, kể cả trong mùa khô.

Không riêng gì xã Vĩnh Quang, hồ Khuổi Khoán còn cung cấp nước cho xã Hưng Đạo và một phần diện tích của huyện Hòa An. Công trình này có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt những năm gần đây, ông Quân nhận định.

Công trình ở trên núi có phong cảnh đẹp, vị trí gần trung tâm thành phố Cao Bằng nên có thể phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Công trình ở trên núi có phong cảnh đẹp, vị trí gần trung tâm thành phố Cao Bằng nên có thể phát triển du lịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Cao Bằng là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, ít sông suối lớn, hiện nay sản xuất nông, lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương này. Toàn tỉnh hiện có 3.684 công trình thủy lợi, phần lớn các công trình có quy mô vừa và nhỏ.

Trong đó có 23 hồ chứa thủy lợi (dung tích từ 0,1 đến 3,7 triệu m3), 80 trạm bơm (48 trạm bơm điện, 32 trạm bơm thủy luân), còn lại là kênh mương, đập đâng, phai dâng. Tổng chiều dài kênh mương toàn tỉnh khoảng 4.622km, trong đó kênh đã được kiên cố hóa 2.630km, kênh đất 1.992km, tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt gần 57%. Những công trình thủy lợi này cung cấp nước tưới cho 26.770ha, chủ yếu đất trồng lúa và một phần màu, cây công nghiệp ngắn ngày.

Dù nguồn lực hạn chế, những năm qua tỉnh Cao Bằng nỗ lực xây dựng hệ thống thủy lợi cung cấp nước phục vụ sản xuất. Trong đó, một số hồ chứa nước dung tích lớn đã được xây dựng giúp giải “cơn khát” cho nhiều vùng đất. Tuy nhiên thực tế xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy lợi ở tỉnh Cao Bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bấp cập cần tháo gỡ. 

Xem thêm
Ràng buộc nhiều điều kiện với thương nhân xăng dầu

Thương nhân phân phối xăng dầu có ít nhất 5 cửa hàng trực thuộc, 10 đại lý bán lẻ, có kho bể, phương tiện vận tải sở hữu hoặc thuê trên 5 năm...

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Greenfeed tiếp tục được vinh danh Doanh nghiệp xuất sắc châu Á

Greenfeed, một thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, lần thứ 8 được vinh danh tại Lễ trao giải Doanh nghiệp châu Á - APEA 2024 vừa diễn ra ở TP.HCM.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.