Tỉnh Cao Bằng phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, do vậy, hệ thống thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng sản lượng và ổn định an ninh lương thực.
Thủy lợi miền núi giúp nông dân vượt ải, cho mùa màng bội thu
Nền kinh tế tỉnh Cao Bằng phát triển chủ yếu là dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, do vậy, hệ thống các công trình thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng sản lượng lương thực và ổn định an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, các công trình thủy lợi còn góp phần điều hòa, ổn định dòng chảy cho các dòng sông, suối, hạn chế lũ, giảm thiểu thiên tai.
Và để hiểu rõ hơn sự cần thiết của các công trình thủy lợi đối với đời sống, sản xuất của người dân.
Mời quý vị và bà con cùng đón xem phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Tỉnh Cao Bằng hiện có gần 3.700 công trình thủy lợi, phần lớn các công trình có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó có 23 hồ chứa thủy lợi, dung tích từ 0,1 đến 3,7 triệu m3, 80 trạm bơm, còn lại là kênh mương, đập đâng, phai dâng.
Những công trình thủy lợi này cung cấp nước tưới cho 26.770ha, chủ yếu đất trồng lúa và một phần màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Qua đó, đóng góp quan trọng vài hoạt động sản xuất của người dân nơi đây.
Tiêu biểu phải nhắc đến Hồ Khuổi Khoán. Nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 10km, Hồ thuộc xã Ngũ Lão, huyện Hòa An được khởi công xây dựng từ tháng 7 năm 2016 với tổng mức đầu tư hơn 374 tỷ đồng.
Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác đầu năm 2020, đây là một trong những hồ chứa thủy lợi lớn nhất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Các hạng mục chính của dự án, gồm đập, cống, van điều tiết trên tràn, nhà quản lý, đường quản lý, hệ thống kênh và công trình trên kênh.
Phỏng vấn
Ông LA CHÍ THÀNH
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng
Theo thiết kế, phần hạng mục đầu mối của hồ Khuổi Khoán gồm đập đất và khu vực lòng hồ có cao trình đỉnh đập 240m được gia cố bằng tấm bê tông, phía hạ lưu có rãnh tiêu nước kết hợp gia cố trồng cỏ.
Đỉnh đập là mặt đường bê tông và tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép.
Cống lấy nước chiều dài 148m, nhà tháp có diện tích gần 8m2, tràn xả lũ dài hơn 421m. Hồ Khuổi Khoán có thiết bị quan trắc gồm thiết bị đo áp lực, đo lún sâu, đo chuyển vị đứng, chuyển vị ngang, đo lưu lượng nước mặt.
Phía hạ du hồ Khuổi Khoán, từ tràn xả nước trở đi đã xây dựng hệ thống các tuyến kênh dẫn nước đến khu sản xuất. Tổng chiều dài hệ thống kênh dẫn nước gần 30km.
Nhờ đó, cánh đồng lúa ở xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng mùa này được phủ một màu xanh rì ngút tầm mắt.
Bà Lô Thị Thực, trú tại xóm 5, xã Vĩnh Quang hiện đang canh tác 5.000m2 lúa. Trước kia, vào mùa mưa ít, bà Thực cùng nông dân nơi đây phải bơm nước suối lên mương để bón cho đồng ruộng rất vất vả.
Từ khi hồ thủy lợi Khuổi Khoán đi vào hoạt động, nước về kênh mương, đồng ruộng ổn định, bà Thực nhờ đó cũng đỡ vất vả hơn ở cái độ tuổi xế chiều.
Phỏng vấn
Bà LÔ THỊ THỰC
Xóm 5, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng
Trú tại xóm 6 xã Vĩnh Quang, bà Đoàn Thị Oanh đang canh tác 4.000m2 lúa.
Trước đây, ruộng của gia đình bà Oanh lại ở rất xa trạm bơm nên phải chờ những ruộng ở trên có đủ nước rồi nước mới đến ruộng của mình. Vào mùa nắng nóng việc lấy nước khó khăn hơn, có khi phải chờ nhiều ngày.
Từ ngày có hồ Khuổi Khoán kết hợp với hệ thống kênh, mương dẫn nước, việc tới tiêu của gia đình bà Oanh và các hộ dân liền kề thuận tiện hơn đáng kể.
Phỏng vấn
Bà ĐOÀN THỊ OANH
Xóm 6, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng
Đời sống sản xuất của người dân đã được thay đổi từ khi công trình thủy lợi hồ Khuổi Khoán đi vào hoạt động là minh chứng rõ nét nhất về sự hiệu quả và cấp thiết của hệ thống thủy lợi.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành thủy lợi tỉnh Cao Bằng vẫn phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, nổi bật là vấn đề giá dịch vụ thủy lợi công ích chưa thay đổi từ năm 2013, hiện không còn phù hợp, dẫn đến việc duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.
Phỏng vấn
Ông LA CHÍ THÀNH
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng
Để thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đơn giản hóa việc xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phù hợp với địa phương và tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ tiền sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Cùng với đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về lĩnh vực thủy lợi. Cân đối ngân sách bố trí kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý.
Đặc biệt, bố trí kinh phí sửa chữa các công trình đang có nguy cơ không đảm bảo nhiệm vụ tưới tiêu trong thời gian tới; bố trí kinh phí xử lý các tuyến kênh xuống cấp, một số công trình an toàn hồ chứa...
Công tác phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự đổi mới để đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu nông nghiệp.
Thủy lợi ngày nay không chỉ phục vụ chủ yếu cây trồng lúa như truyền thống mà còn hướng đến đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng cạn, rau màu theo hướng hàng hóa giá trị cao.
Vì vậy, cần có sự đầu tư đồng bộ phát triển hệ thống thủy lợi hiệu quả cao, trợ giúp đắc lực cho nông dân, đảm bảo phòng chống thiên tai.
Đến đây thời lượng phóng sự do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đã hết.
Xin hẹn gặp lại quý vị và bà con trong những chương trình tiếp theo.