Có thể nói, 20 năm thực hiện Nghị quyết 78 của Chính phủ về thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo cũng là hành trình 20 năm làm cánh tay nối dài cho Chính phủ trong việc chuyển nguồn vốn của Nhà nước đến với các đối tượng chính sách. Đây quả thực là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với địa bàn huyện Cao Lộc.
Cao Lộc là một huyện miền núi biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Người dân nơi đây phần nhiều là dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức không đồng đều. Cách đây 15-20 năm về trước, điều kiện giao thông từ huyện đến xã, từ xã đến thôn cực kỳ khó khăn. Do yếu tố xuất phát điểm là tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo rất cao, cùng với thói quen, tập quán sản xuất, sinh hoạt mang tính chất tự cung tự cấp, người dân chưa tiếp cận nhiều với những phương thức, cách thức sản xuất mới, có xu hướng tâm lý tự ti, e ngại với việc đổi mới nên việc tuyên truyền đã khó, việc vận động người dân tích cực tham gia vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, nhiệm vụ đưa nguồn vốn của Chính phủ đến cho các bản làng vay gặp vô vàn thách thức trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, quá trình thực hiện đã có nhiều cải thiện. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cao Lộc, cho biết, “Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Lộc đã có những giải pháp rất hiệu quả trong việc đặt điểm giao dịch tại xã và có ngày cố định giao dịch hàng tháng, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà. Với phương châm ‘đi tới xã, giao dịch tại nhà, thu nợ và giải ngân tại xã’, ngân hàng đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế.”
Ở cấp xã, lãnh đạo cấp Ủy, chính quyền xã đã ban hành chỉ đạo giảm nghèo. Tổ vay vốn tiết kiệm ở cấp thôn đã làm tốt công tác vận động tuyên truyền nhân dân để người dân tích cực tham gia vay vốn phát triển kinh tế, giúp giảm thiểu khó khăn cho các cán bộ thuộc Ngân hàng Chính sách.
Do công tác duy trì đại lý, điểm giao dịch ở xã thường kỳ khiến cán bộ ngân hàng gặp nhiều vất vả khi đi giao dịch hàng tháng, thậm chí không có ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra còn nhiều công việc khác như kiểm tra, rà soát đối tượng vay tại thôn cũng rất vất vả. Với quan điểm tận tâm phục vụ vì nhân dân, đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách huyện Cao Lộc đã rất trách nhiệm và nhiệt huyết trong từng bước đường trên hành trình này.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Thịnh, quá trình rà soát, thống kê nhiều năm và thực tế triển khai trên địa bàn huyện cho tháy việc thu hồi nợ đối với bà con không quá khó khăn. Tỉ lệ thu nợ hàng tháng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Lộc đều đạt trên 90%. Đạt được những kết quả đó, có thể khẳng định rằng ngay từ khi làm hồ sơ cho các đối tượng vay vốn, ngân hàng đã cùng người dân có một cam kết đảm bảo trả nợ, lãi, vốn đúng hạn. Định kỳ mỗi hai tháng, trước khi trả nợ, cán bộ ngân hàng chi nhánh huyện cùng cán bộ phụ trách của các tổ tiết kiệm vay vốn đã kịp thời thông tin để người dân có sự chuẩn bị trước khi đến kì hạn.
Qua quá trình triển khai, thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Lộc nhận thấy người dân trên địa bàn huyện đã thực hiện việc trả nợ, gốc và lãi ngân hàng rất đúng thời hạn. Sau khi người dân đã thực hiện xong, nếu vẫn có nhu cầu tiếp tục vay vốn để sản xuất, ngân hàng sẽ xem xét và đồng ý tiếp tục cho vay vốn nếu đối tượng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu người dân gặp phải rủi ro như thiên tai, bão lũ hay các thiệt hại khác, ngân hàng có thể linh động xem xét gia hạn thời gian trả lãi vốn cho người dân, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển kinh tế, xã hội.