| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung huyện Hương Khê

Thứ Năm 06/01/2022 , 09:07 (GMT+7)

Từ năm 2017, sau khi bãi chôn lấp rác xứ đồng Trại Lợn đóng cửa, mỗi năm huyện Hương Khê phải trích ngân sách hơn 3 tỷ đồng chở rác vào Quảng Bình xử lý.

5 năm ngập ngụa rác thải

Huyện miền núi Hương Khê có diện tích tự nhiên hơn 1.262 km2 với tổng dân số trên 100 ngàn người, phân bố trên địa bàn 20 xã và 1 thị trấn.

5 năm qua cuộc sống của người dân Hương Khê bị đảo lộn vì rác thải sinh hoạt bủa vây. 

5 năm qua cuộc sống của người dân Hương Khê bị đảo lộn vì rác thải sinh hoạt bủa vây. 

Khoảng một thập niên trở lại đây, khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân tăng lên cũng là lúc lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều. Theo tính toán của chính quyền địa phương, giai đoạn 2019 – 2033 chỉ tính riêng thị trấn Hương Khê và 8 xã phụ cận (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình, Hương Thủy) lượng rác thải ra bình quân ước khoảng 20,6 tấn/ngày. Tuy nhiên, trên địa bàn chưa có khu xử lý chất thải rắn theo tiêu chuẩn, quy định.

Đặc biệt, từ 2017 đến nay, theo phản ánh của người dân, sau khi bãi chôn lấp rác duy nhất của huyện ở xứ đồng Trại Lợn, xã Gia Phố quá tải, buộc phải đóng cửa thì lượng rác tồn đọng, phát sinh chưa được thu gom, xử lý rất lớn. Chỉ tính riêng thị trấn Hương Khê mỗi ngày có đến hơn 40 tấn rác thải, trong đó 20 tấn buộc phải xử lý ngay.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê Trần Tiến Trình bất lực cho biết, do lượng rác thải ra môi trường quá lớn đã ảnh hưởng đến nguồn nước, cảnh quan đô thị và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, những ngày trời nắng bà con tự ý đốt rác, mùa mưa nước thải từ bãi rác tràn ra môi trường khiến cả khu dân cư bốc mùi hôi thối, cuộc sống người dân đảo lộn.

Theo chia sẻ của ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, phải đến 5 năm nay, Hương Khê ngập ngụa trong rác. Thực trạng người dân vứt rác thải sinh hoạt dọc các trục đường giao thông chính, nơi công cộng… gây ô nhiễm môi trường xảy ra như cơm bữa. Chính quyền, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý rác tại hộ, thậm chí xử phạt nhiều trường hợp vứt rác bừa bãi, tuy nhiên cũng phải chia sẻ với bà con, lượng rác phát sinh quá lớn, trong khi đất đai, vườn tược trong dân chật hẹp nên việc xử lý tại hộ không xuể.

Toàn cảnh khu xử lý chất thải rắn tập trung huyện Hương Khê.

Toàn cảnh khu xử lý chất thải rắn tập trung huyện Hương Khê.

“Để giảm tải cho thị trấn, bình quân mỗi năm Hương Khê phải trích ngân sách từ 3 – 3,5 tỷ đồng chở rác vào Quảng Bình hoặc ra Nghệ An xử lý. Cách làm bất đắc dĩ này vừa tốn kém tiền của vừa không xử lý triệt để được vấn đề ô nhiễm môi trường”, ông Ninh trăn trở.

 “Hãy vì tương lai con em chúng ta”

Các kỳ họp HĐND huyện Hương Khê năm nào cũng đem vấn đề xử lý rác thải vào Nghị quyết, mục đích là để chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc, thống nhất tổ chức triển khai xây dựng Dự án khu xử lý chất thải rắn tập trung, đặt tại khoảnh 6, tiểu khu 208, xã Hương Thủy. Đây là vị trí nằm giữa thung lũng, rất phù hợp về khoảng cách (cách khu dân cư xóm 9 Hương Long 880m; cách thôn 6, 7 xã Gia Phố 1.140m; cách thôn 1 xã Hương Thủy 1.240m) và không phát sinh nước thải ra môi trường.

Bên ngoài nhà chứa lò đốt, sân phân loại rác và hồ chứa nước rỉ rác.

Bên ngoài nhà chứa lò đốt, sân phân loại rác và hồ chứa nước rỉ rác.

Theo quy trình, sau khi “khai sinh” dự án, huyện Hương Khê tổ chức lấy ý kiến từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp Nhân dân và hầu hết nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao. Mặc dù vậy, một số ít hộ dân không nằm gần khu xử lý chất thải rắn tập trung lại đứng ra ngăn cản với những lý do thiếu căn cứ khoa học.

 “Trong 3 năm qua, UBND tỉnh và huyện đã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại với người dân, đại bộ phận bà con ủng hộ việc nhanh chóng thi công dự án. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi số ít hộ dân còn lại hãy vì tương lai con em chúng ta cùng chung tay với chính quyền để tổ chức xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần”, Chủ tịch Ngô Xuân Ninh nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định, trong quá trình thực hiện nếu những đối tượng nào cố tình cản trở, lợi dụng dự án chống đối chủ trương của Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng thì UBND huyện sẽ kiên quyết làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Hệ thống lò đốt rác. 

Hệ thống lò đốt rác. 

Ông Đặng Hồng Thanh, Bí thư đảng ủy xã Gia Phố cho rằng, việc xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và cấp bách. Đây là mong mỏi của đại bộ phận người dân Hương Khê trong nhiều năm qua. Vì vậy, UBND xã đang phối hợp lãnh đạo thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện dự án.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Hường, hộ dân ở thị trấn Hương Khê bày tỏ mong mỏi khu xử lý chất thải rắn tập trung sớm được xây dựng, đưa vào vận hành, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân.

Nhà điều hành và nhà bảo vệ.

Nhà điều hành và nhà bảo vệ.

Với những nỗ lực cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hương Khê đã và đang làm bấy lâu nay, người dân thị trấn Hương Khê và 8 xã phụ cận tin rằng các tuyến đường, những khu vui chơi công cộng hay bãi đất trống trên địa bàn sẽ vắng bóng rác thải, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường, phấn đấu xây dựng Hương Khê đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2024.

Dự án khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê xây dựng trên diện tích hơn 14.000 m2; tổng mức đầu tư 23,3 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục: Khu xây dựng công trình 1.648m2 (nhà trực, trạm cân, nhà điều hành, nhà phân loại và đặt lò đốt, khu xử lý nước thải, bể nước, trạm biến áp, hàng rào bao quanh…); khu chôn lấp tro xỉ 1.800m2; sân và đường giao thông gần 3.000m2; đất cây xanh hơn 3.300m2; đất mái taluy 921m2; đất phục vụ các hạng mục phụ trợ khác hơn 3.460m2; đường hoàn trả dài hơn 326m.

Dự án này sử dụng lò đốt DCI-100 để xử lý rác. Theo đánh giá của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ưu điểm của thiết bị lò đốt là không xả nước thải ra môi trường; giảm thiểu mùi hôi; không phát sinh khí độc hại; tro xỉ được thu gom an toàn bằng cách làm nguội và vận chuyển về chôn tại hố 4 ngăn, bao bọc bởi lớp màng chống thấm HDPE. Sau khi chôn lấp được dùng bạt phủ kín, không cho nước mưa chảy vào.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.