| Hotline: 0983.970.780

'Cấp cứu' đê điều, thủy lợi sau bão: Bão Yagi - phép thử năng lực vận hành hồ đập

Thứ Hai 23/09/2024 , 09:26 (GMT+7)

Siêu bão Yagi càn quét gây mưa lũ lịch sử. Nhờ vận hành linh hoạt, hơn 3.000 hồ đập ở Bắc Bộ đảm bảo an toàn, góp phần cắt lũ, giảm ngập vùng hạ du.

Siêu bão đổ bộ khi hàng nghìn hồ chứa đầy nước

Nhìn lại công tác vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi trong bối cảnh mưa lũ vừa qua, ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) - chia sẻ, siêu bão Yagi ập vào miền Bắc kéo theo hoàn lưu gây mưa lớn vượt sức tưởng tượng, ở thời điểm cuối của mùa lũ nên rất nhạy cảm và nguy hiểm.

Trước đó (ngày 3/9), các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc bộ được phép tích đến mực nước dâng bình thường để phục vụ sản xuất, dung tích hồ đạt từ 80 - 90% dung tích thiết kế (do khu vực Bắc bộ đã ở thời kỳ cuối mùa lũ), dung tích hồ chứa tỉnh Thanh Hóa đạt 65% dung tích thiết kế. Dung tích phòng lũ của các hồ rất ít, nếu không chủ động vận hành hiệu quả, nguy cơ xảy ra các sự cố mất an toàn rất cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại Bắc Giang ngày 10/9. Ảnh: Đồng Thái.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại Bắc Giang ngày 10/9. Ảnh: Đồng Thái.

Thống kê cho thấy, trước khi các đợt lũ sau bão Yagi xuất hiện, khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa có tổng số 3.153 hồ, trong đó có 143 hồ hư hỏng nặng; chỉ 23 hồ có tràn cửa van có thể hạ thấp mực nước để đón lũ, 3.149 hồ còn lại có tràn tự do, không thể hạ thấp mực nước để đón lũ. Đặc biệt, các hồ thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng là các trạm đo mưa tự động trên lưu vực, trạm đo mực nước hồ tự động, thiết bị quan sát vận hành.

Trong tình huống đó, Cục Thủy lợi đã chủ động ban hành các văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện việc bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; phối hợp với các đơn vị sự nghiệp khoa học thuộc Bộ tăng cường theo dõi thông tin, diễn biến mưa lũ, nguồn nước để có giải pháp tư vấn vận hành các hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du đập và tích nước phục vụ sản xuất, dân sinh.

Cùng với đó, ngày 6/9, Cục Thủy lợi thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại nhiều địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định,... yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc và sẵn sàng mọi phương án ứng phó với các tình huống xấu nếu có.

Và trên thực tế, vượt qua những dữ liệu dự báo của ngành khí tượng thủy văn, mưa lớn đã gây ra lũ lịch sử tại nhiều tỉnh, thành trong khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa. Tổng lượng mưa từ ngày 6-11/9/2024 phổ biến 250 - 350mm, khu vực miền núi phổ biến 350 - 450mm. Thậm chí, một số trạm ghi nhận lượng mưa rất lớn như: Nậm Xây Luông (Lào Cai) 760mm, Nấm Dẩn 2 (Hà Giang) 710mm, Tiền Hải (Thái Bình) 680mm, Chợ Chu (Thái Nguyên) 666mm, Thường Tín (Hà Nội) 609mm.

Nhiều thời điểm, lũ thượng nguồn dồn về các hồ chứa với lưu lượng lớn hơn rất nhiều so với lưu lượng xả nước của công trình. Khó khăn chồng chất khó khăn. Thế nhưng, nhờ công tác chỉ đạo và triển khai vận hành hồ chứa linh hoạt, các hồ chứa thủy lợi không những đứng vững, mà còn góp phần cắt lũ, giảm ngập lụt cho hạ du.

Kiên cường cắt lũ, giảm lũ cho hạ du

Công trình chịu sức ép lớn nhất có lẽ là hồ Cấm Sơn (Bắc Giang). Với diện tích lưu vực hơn 378 km2 (lớn thứ 8 của cả nước), đập chính cao 41,5m và dài 230m, nếu hồ có mệnh hệ gì thì vùng hạ du các huyện Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Dũng, TP Bắc Giang (Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Mực nước hồ Cấm Sơn dâng cao ngày 9/9/2024, do ảnh của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ. Ảnh: Đồng Thái.

Mực nước hồ Cấm Sơn dâng cao ngày 9/9/2024, do ảnh của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ. Ảnh: Đồng Thái.

Từ ngày 6-12/9, lượng mưa trung bình trên lưu vực khoảng 250mm, tổng lượng dòng chảy về hồ đạt 144 triệu m3, đỉnh lũ đạt hơn 2.700m3/s vào lúc 6h39 ngày 8/9. Có thời điểm, mực nước xấp xỉ tràn, vượt 6% dung tích thiết kế. Riêng Cục Thủy lợi phải 3 lần cử đoàn công tác trực tiếp lên hồ Cấm Sơn để kiểm tra, chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa. Tình huống cân não đặt ra là: Nếu xả lũ hồ Cấm Sơn tối đa công suất trong bối cảnh mực nước sông Thương ở hạ du đang vượt báo động 3 thì sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống đê điều và tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ du. Còn nếu xả nước từ từ thì sẽ nguy cơ xảy ra sự cố cho hồ nếu diễn biến mưa lũ phức tạp.

“Chúng tôi nhiều đêm mất ngủ, liên tục trao đổi với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương (đơn vị vận hành khai thác hồ Cấm Sơn - PV) cập nhật tình hình dự báo khí tượng thủy văn và lưu lượng nước đến hồ để điều tiết vận hành. Rất may là hồ Cấm Sơn được trang bị hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại, nên dự báo khá chính xác tình hình mưa lũ. Trong 7 ngày (từ 6-12/9), tổng lượng dòng chảy về hồ đạt 144 triệu m3, đỉnh lũ đạt hơn 2.700m3/s nhưng hồ Cấm Sơn chỉ xả lớn nhất 137m3/s, giữ lại lượng nước 62 triệu m3 (từ ngày 6-8/9). Việc vận hành hồ hợp lý giúp cắt, giảm lũ cho hạ du”, ông Nguyễn Tùng phong chia sẻ.

Cùng với hồ Cấm Sơn, trong tình thế nguy cấp, hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cũng vận hành linh hoạt để cắt giảm lũ cho hạ du. Theo quy trình vận hành đã được duyệt, từ 1/9, hồ được phép đón lũ ở cao trình mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, trước dự báo có mưa lớn trên lưu vực, Cục Thủy lợi đã đề nghị địa phương chủ động xả nước để đón lũ. Nhờ vậy, từ ngày 6-13/9, tổng lượng dòng chảy về hồ đạt 133 triệu m3, đỉnh lũ đạt 636m3/s nhưng hồ chỉ xả lớn nhất 300 m3/s, giữ lại lượng nước 46 triệu m3 (từ ngày 6-9/9), qua đó cắt, giảm lũ cho hạ du.

Hồ Cấm Sơn xả nước để giảm áp lực cho khu vực lòng hồ. Ảnh: Đồng Thái.

Hồ Cấm Sơn xả nước để giảm áp lực cho khu vực lòng hồ. Ảnh: Đồng Thái.

“Qua theo dõi, các hồ chứa lớn có cửa van điều tiết lũ vận hành tuân thủ quy trình được phê duyệt, phát huy nhiệm vụ cắt lũ cho hạ du. Đặc biệt, trong và sau bão, không có hồ chứa nào gặp sự cố lớn. Chỉ có một số hồ bị hư hỏng ở mức không nghiêm trọng, trước mắt không ảnh hưởng đến an toàn công trình và gây tác động đến vùng hạ du. Trong đó, hồ chứa nước Đầm Bài ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình bị sạt lở mái taluy tràn xả lũ tại bậc nước số 3; hồ Trại Lần ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái bị sạt lở mái hạ lưu đập; tỉnh Lạng Sơn có 11 hồ thủy lợi bị hư hỏng.

Những nhiệm vụ cấp bách

Theo Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong, một trong những nhiệm vụ ngành thủy lợi cần tập trung trong thời gian tới, đó là phải lắp đặt các trạm quan trắc (mưa, dòng chảy, mực nước,...), ứng dụng phần mềm tính toán, hỗ trợ ra quyết định để vận hành các hồ chứa.

Ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Nguyễn Tùng Phong - Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Quỳnh Chi.

Đồng thời rà soát, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp các hồ chứa đặc biệt, hồ chứa lớn có cửa van điều tiết (hiện nay theo tổng hợp, cả nước mới có 28% số hồ có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp).

Đặc biệt, cần rà soát lại quy trình vận hành hồ chứa, nhất là các hồ chứa lớn có cửa van để vận hành, đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du đập và tích nước tối đa phục vụ sản xuất. Hiện nay khu vực Bắc bộ có 143 hồ chứa hư hỏng nặng chưa có nguồn kinh phí sửa chữa, chủ yếu là các hồ chứa vừa và nhỏ, cần thiết phải sửa chữa để đảm bảo an toàn.

“Bài toán cân não nhất hiện nay trong vận hành các hồ chứa thủy lợi, đó là vừa phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, hạn chế tác động đến vùng hạ du, vừa tích trữ nguồn nước trong mùa mưa để cấp nước phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai nguy hiểm ngày càng xuất hiện cực đoan hơn, khó dự đoán hơn. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ đập và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ dự báo khí tượng thủy văn, điều hành hệ thống ngày càng trở nên quan trọng”, ông Nguyễn Tùng Phong chia sẻ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.