Ngày 21/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã kiểm tra tình hình sản xuất kinh tế nông nghiệp và động viên bà con nông dân tại một số mô hình tại tỉnh Thái Bình như hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quang Lanh, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tây Sơn, xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương.
Chia sẻ với người nông dân quê lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, sản xuất nông nghiệp vốn đang manh mún thì không nên để tư duy của bà con manh mún theo.
“Câu lạc bộ đại điền của Thái Bình cũng là một cách nghĩ mới. Theo đó, các địa phương cần kiến tạo các không gian để người nông dân cùng nuôi dưỡng những ý tưởng, chủ đề, sáng tạo trong nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT gợi mở.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các xã trong một huyện cần vượt ra ngoài ranh giới địa lý hành chính để liên kết, hợp tác với những xã lân cận, từ đó tạo dựng một không gian kinh tế mang tầm nhìn bao quát.
“Một không gian nhỏ sẽ kìm hãm sự phát triển lớn. Sự đầu tư gọn bao giờ cũng mang lại hiệu quả nhiều hơn, qua đó cũng dễ kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp chứ không còn quá phụ thuộc vào ngân sách của Nhà nước. Đó còn là một cách hữu hiệu để bám sát chuyển dịch của thị trường”, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Cũng trong chuyến công tác tại Thái Bình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tới thăm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch tâm linh tại Phủ thờ Bà Chúa Muối (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) và khu vực bảo tồn rừng ngập mặn ven biển tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy.
Thái Bình hiện chỉ còn duy nhất xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy đang sản xuất muối. Sản phẩm muối ở Thái Bình được làm theo phương pháp truyền thống của miền Bắc là thẩm thấu nước mặn qua cát nên muối giữ được nhiều vitamin, khoáng chất cùng hơn 60 nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khỏe con người, có thể làm thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, điều đặc biệt của làng nghề muối Thụy Hải không chỉ là nghề truyền thống mà còn gắn liền với di tích Bà Chúa Muối ở thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Bà Chúa Muối, 14/4 âm lịch, dân làng xã Thụy Hải lại mở hội, trong hội có trò “múa ông Đùng bà Đà”.
Đây là một trong những điệu múa cổ xưa nhất của người Việt, mang đậm nghi lễ nông nghiệp gắn với tín ngưỡng phồn thực độc đáo. Vì vậy, rất cần bảo tồn nghề sản xuất muối phơi cát tại Thụy Hải bởi ngoài các ý nghĩa về kinh tế còn là sự bảo tồn làng nghề nhiều đời, bảo tồn văn hóa truyền thống của di tích văn hóa, lịch sử Phủ Bà Chúa Muối.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề muối tại địa phương sẽ tôn vinh Phủ Bà Chúa Muối, Di tích lịch sử Quốc gia được Nhà nước công nhận. Bảo tồn lễ hội hằng năm tôn vinh Bà Chúa Muối cũng là hoạt động quan trọng trong quá trình phát triển du lịch của tỉnh Thái Bình.
“Chính thương hiệu quê hương diêm điền sẽ mang sản phẩm của địa phương đi xa. Nếu lấy giá trị của quê hương diêm điền để quảng bá cho du lịch muối tâm linh từ Phủ thờ Bà Chúa Muối sẽ tạo ra một dòng sản phẩm đầy cảm xúc. Đến lúc đó, vị muối Thái Bình sẽ có vị ngọt chứ không còn mặn nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ về cách tạo dựng giá trị cho sản phẩm muối tâm linh Thụy Hải.
Theo Bộ trưởng, nếu chỉ bán muối thô, người dân sẽ không thành công, ngành muối không thể phát triển. Từ một gói muối thô hoàn toàn có thể làm ra hàng trăm sản phẩm muối khác. Trong từng hạt muối cần truyền tải được giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử vùng miền. Từng hạt muối kết hợp với các loại thảo dược sẽ giúp chữa bệnh, được sử dụng trong spa.
Muối ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất bằng 2 phương pháp. Một là phương pháp phơi cát thủ công ở miền Bắc và Bắc miền Trung. Hai là phương pháp phơi nước gồm: Phơi nước phân tán ở miền Trung và miền Nam; phơi nước tập trung để sản xuất muối công nghiệp ở 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Tuy sản lượng muối hàng năm khá cao nhưng hiện nay Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu rất nhiều muối từ nước ngoài để phục vụ sản xuất công nghiệp, chế biến và sinh hoạt hàng ngày.