| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình

Thứ Tư 21/09/2022 , 09:54 (GMT+7)

Việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản, công nghiệp tiêu biểu đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình, phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình, phát biểu khai mạc chương trình. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực

Ngày 21/9, UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022.

Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về nông nghiệp với các vùng nguyên liệu đang phát triển mạnh, có khả năng cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến, Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực nên việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản, công nghiệp tiêu biểu đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong những năm qua, Sở Công thương tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục.

Cụ thể như tham gia các hội chợ triển lãm tổng hợp và chuyên ngành trong nước và quốc tế, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát triển điểm bán hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua kênh trực tuyến theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành hàng năm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) tặng lẵng hoa chúc mừng Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) tặng lẵng hoa chúc mừng Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tham gia một số Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp... đã kết nối giữa các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước như Tập đoàn Central Retail, Masan..., đưa các sản phẩm của tỉnh vào bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các điểm dừng nghỉ, các bếp ăn tập thể của các tập đoàn sản xuất..., xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm và tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, các nước ASEAN, với các mặt hàng như gạo, bún phở khô, bánh đa, trà dược, thủy hải sản, nước mắm, bánh kẹo, khăn tay bông, hàng thủ công mỹ nghệ... góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình, bày tỏ, Kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình năm 2022 là dịp để các doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước có cơ hội gặp gỡ, giao thương, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (phải) tặng lẵng hoa chúc mừng Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (phải) tặng lẵng hoa chúc mừng Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ hơn về nhu cầu của các nhà phân phối, nhập khẩu, người tiêu dùng, từ đó có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Hội nghị cũng cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước cũng như khai thác sâu thị trường xuất khẩu, nhất là mở đường cho việc đưa hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”, ông Nguyễn Tiến Thành cho hay.

Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu

Theo Sở Công thương tỉnh Thái Bình, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất của tỉnh có quy mô chủ yếu nhỏ và vừa, số lượng các cơ sở, doanh nghiệp chế biến ít, thiếu các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, được chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu, có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng.

Văn nghệ chào mừng Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Văn nghệ chào mừng Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều mặt hàng có lợi thế của tỉnh đang trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, năng lực đánh giá nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng còn hạn chế, công tác nghiên cứu thị trường chưa chủ động nên khả năng khai thác sâu các thị trường truyền thống cũng như khai thác thị trường tiềm năng còn có mặt hạn chế nhất định.

Theo đó, để có thể triển khai các chương trình kết nối, hỗ trợ phát triển thị trường trong thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai các đề án, chương trình kế hoạch nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại… nhằm tiếp tục kết nối đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Các sở ban ngành cần phối hợp chặt chẽ để thu hút các nhà đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ về khai thác nguồn hàng từ Thái Bình.

Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thái Bình đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cơ cấu ngành công nghiệp lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc xây dựng Chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với các điều kiện trường, thị hiếu người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ thông minh gắn với chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, cải tiến bao bì nhãn mác, ứng dụng thương mại điện tử để khai thác, tiếp cận thị trường hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí nhất, tận dụng các lợi thế, các ưu đãi từ các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết thực hiện.

Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 8.449 doanh nghiệp và 2.249 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. 8 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 57.824 tỷ đồng, tăng 14,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 17,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.592 triệu USD, tăng 18,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.541 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Hàng hóa xuất khẩu nói chung của Thái Bình chủ yếu là các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN, Australia, New Zealand… và những nước mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do được ký kết và thực hiện. Đối với các sản phẩm nông sản nói riêng, thị trường tiêu thụ nội tỉnh chiếm khoảng 40%, còn lại là tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.