Xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có 10 công ty sản xuất và 465 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV với 2.824 sản phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh (trong đó, khoảng 164 sản phẩm của công ty trong tỉnh, 2.660 sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh).
Năm 2021, Chi cục phối hợp thanh tra Sở cùng các ngành chức năng liên quan thực hiện 8 cuộc thanh kiểm tra tại 102 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh (trong đó 2 công ty sản xuất phân bón), lấy 216 mẫu (phân bón 135 mẫu, thuốc BVTV 81 mẫu) kiểm nghiệm.
Qua đó phát hiện 14/102 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm phân bón (không ghi đủ, ghi đúng nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa; không quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam; hết hạn sử dụng; vi phạm hoạt động kinh doanh theo Giấy phép kinh doanh; có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không nhãn phụ tiếng Việt Nam), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 65.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (hình thức thu số tiền đã bán) 11.280.000 đồng.
5/102 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm thuốc BVTV (không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; hết hạn sử dụng), xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với số tiền 35.000.000 đồng; 42/135 mẫu phân bón vi phạm chất lượng (giả 29 mẫu, không đạt chất lượng 13 mẫu, xử phạt vi phạm hành chính 30 cơ sở với số tiền 561.500.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (hình thức thu số tiền đã bán) 142.480.250 đồng; 5/81 mẫu thuốc BVTV vi phạm chất lượng (giả 2 mẫu, kém chất lượng 3 mẫu), xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với số tiền 15.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (hình thức thu số tiền đã bán) 4.100.000 đồng.
Trong quý I/2022 đã tổ chức 2 cuộc thanh, kiểm tra tại 37 công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh (trong đó 01 công ty sản xuất phân bón), lấy 115 mẫu (trong đó: phân bón 75 mẫu, thuốc BVTV 40 mẫu) kiểm nghiệm.
Qua đó phát hiện, 5/37 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm phân bón (có nhãn ghi không đúng, ghi không đủ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa; hết hạn sử dụng) và sản xuất phân bón mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/giấy phép sản xuất phân bón, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 143.000.000 đồng; 3/37 cơ sở vi phạm kinh doanh thuốc BVTV (chung với thuốc y tế, hết hạn sử dụng), xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền 7.500.000 đồng ; 25/75 mẫu phân bón vi phạm chất lượng (giả 12 mẫu, kém chất lượng 13 mẫu), xử phạt vi phạm hành chính 16 cơ sở với số tiền 396.150.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (hình thức thu số tiền đã bán) 81.010.000 đồng; 5/40 mẫu thuốc BVTV vi phạm chất lượng (không đạt chất lượng), xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với số tiền 16.000.000 đồng.
“Xác định vật tư nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chú trọng. Chi cục đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân để nâng cao nhận thức và cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,....
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.
Tăng cường các giải pháp
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, nằm rải rác và chủ yếu là các sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh rất đa dạng, nhiều chủng loại; do các công ty sản xuất không đóng trụ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, chỉ thông qua đại lý để bán sản phẩm; do đó khi phát hiện sai phạm chỉ xử phạt đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định mà không thể xử lý toàn bộ lô hàng mà công ty sản xuất ra.
Mặt khác, việc thông tin các công ty có sản phẩm vi phạm đến các nơi công ty đăng ký sản xuất đã được thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao do phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm của các địa phương, hiện nay chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà chưa có biện pháp xử lý cụ thể.
Ngoài ra, các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi (số lượng bày bán ít nhằm né tránh thanh tra, xử phạt và truy xuất nguồn gốc) và nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được. Các cơ sở kinh doanh (nhất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) còn kinh doanh các sản phẩm hết hạn, sản phẩm ngoài doanh mục cho phép sử dụng.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý địa phương, các công ty sản xuất phân bón, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, các sản phẩm giả, kém chất lượng được phơi bày tại hội thảo.
“Nếu nghi ngờ về chất lượng phân bón hay thuốc BVTV, bà con nên dùng thử cho những loại rau ngắn ngày, sau từ năm đến bảy ngày là có thể biết được kết quả. Khi bón phân hay sử dụng thuốc BVTV nên để lại một ít cùng bao bì, nhãn mác để khi xảy ra sự cố vẫn giữ được bằng chứng, vật chứng. Đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng nếu phát hiện, nghi ngờ cửa hàng buôn bán, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng”, Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tây Ninh chia sẻ .
Để chấn chỉnh thực trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng, thời gian tới ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và cách phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; chủ động công bố tiêu chuẩn cơ sở chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục và giá bán từng loại sản phẩm.
Tăng cường công tác thống kê các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để quản lý; đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đúng quy định pháp luật...
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cả nước hiện có 841 cơ sở sản xuất phân bón, 85 cơ sở thuốc BVTV, khoảng 33.000 đại lý kinh doanh hai mặt hàng này. Các cơ sở sản xuất hai loại vật tư này chủ yếu trên địa bàn các tỉnh phía Nam, nhất là TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Tây Ninh. Qua hội thảo cho thấy tình hình vi phạm về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV của Tây Ninh tương tự như các tỉnh trong khu vực, cả nước; tập trung vi phạm về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa. Năm 2021, vi phạm về sản xuất kinh doanh phân bón chiếm 31,1%, vi phạm về thuốc BVTV chiếm 6,2%.
"Với sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục đã phối hợp thực hiện một số biện pháp nâng cao công tác quản lý các mặt hàng này, nhất là quy định về kiểm định chất lượng sản phẩm; tăng cường tập huấn cán bộ khung sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cũng như sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm; xây dựng mã số vùng trồng. Cục đánh giá cao Tây Ninh thực hiện khá tốt công tác này, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp... "Thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra vật tư nông nghiệp, quan tâm công tác nhân sự của cơ quan thanh tra ngành đảm bảo công tác thanh tra trên địa bàn", ông Lê Văn Thiệt đề nghị.
“Phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng là các loại vật tư quan trọng trong sản xuất trồng trọt và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy việc tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng chính là góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản của tỉnh nhà; đảm bảo vệ sinh ATTP cho con người và môi trường sinh thái.
Nhà nước cần có giải pháp hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo công tác xử lý các vi phạm đủ sức răn đe và theo hướng bảo vệ cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.