Theo Cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT, kể từ khi nhà nước ban hành cơ chế chính sách thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương (năm 2000) và đặc biệt giai đoạn 2010-2020, cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều hệ thống kênh mương nội đồng đã được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên đến nay, hiện cả nước có trên 291 km kênh mương các loại, trong đó có 174.000 km kênh mương cấp 3 và nội đồng, chiếm 59,8% tổng số kênh mương các loại trên toàn quốc. Trong số đó, có trên 45.000 km kênh mương cấp 3 và nội đồng đã được kiên cố hóa (chiếm tỷ lệ 26%). Vùng có số lượng nhiều kênh mương nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (30%), tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long (23%), miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ (17%), các vùng có số lượng kênh mương ít là Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Cũng theo Cục Thủy lợi, việc phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa truyền thống sang các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế như: vải thiều (Bắc Giang); xoài, nhãn (Sơn La), cam (Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang), cà phê (Đắk lắk), rau, hoa (Đồng Nai, Lâm Đồng)...