Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị chủ trì.
Những con số tích cực
Khu vực phía Bắc bao gồm 31 tỉnh (4 tỉnh vùng Tây Bắc, 13 tỉnh vùng Đông Bắc, 8 tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ), có diện tích tự nhiên là 16,78 triệu ha, chiếm 50,70% diện tích toàn quốc; với tổng diện tích có rừng là 8.735.342 ha, chiếm 60,60 % diện tích có rừng cả nước, độ che phủ rừng đạt 49,84%, trong đó: rừng tự nhiên 6.133.904 ha; rừng trồng 2.601.438 ha...
Kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ năm 2018, đến thời điểm hiện tại có nhiều dấu hiệu tích cực.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn: “Không đánh đổi phát triển bằng mọi giá” |
Về công tác bảo vệ rừng, tình hình vi phạm Luật bảo về và phát triển rừng, theo số liệu thống kê của 31 tỉnh khu vực phía Bắc, đến hết ngày 30/11/2018, đã phát hiện 6.046 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, chiếm 49% số vụ vi phạm cả nước, giảm 1.098 vụ (15%) so với năm 2017. Diện tích rừng bị thiệt hại 452 ha, giảm 223 ha (33%) so với năm 2017. Các cơ quan chức năng đã xử lý là 5.378 vụ, trong đó: khởi tố hình sự 66 vụ, xử lý hành chính 5.312 vụ. Các hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái pháp luật (xảy ra 712 vụ, diện tích rừng bị phá 220 ha, chủ yếu xảy ra tại các tỉnh: Sơn La (132 vụ/20,4 ha), Lai Châu (103 vụ/18ha), Điện Biên (90 vụ/25 ha), Nghệ An (78 vụ/26ha)... Thực trạng phá rừng trái phép xẩy ra 373 vụ, chủ yếu tại các tỉnh Tuyên Quang (40 vụ), Bắc Kạn (32 vụ), Lai Châu (42 vụ), Thanh Hóa (83 vụ)...
Công tác chống buôn bán, vận chuyển lâm sản trái trái phép cũng được hạn chế, đạt được những kết quả tích cực. Cơ quan chức năng phát hiện 2.346 vụ, giảm 748 vụ (24%) so với năm 2017, các địa phương phát hiện, xử lý nhiều nhất là: Nghệ An (243 vụ), Quảng Bình (212 vụ), Thanh Hóa (177 vụ), Quảng Trị (145 vụ), Sơn La (138 vụ), Hà Giang (200 vụ), Điện Biên (243 vụ)...
Năm 2018, các tỉnh khu vực phía Bắc để xảy ra 149 vụ cháy rừng, diện tích rừng thiệt hại 232 ha, giảm 9,5% về số vụ và giảm 20% về diện tích thiệt hại so với năm 2017.
Vẫn ồ ạt xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chây ỳ trồng rừng thay thế
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm có thể gây ảnh hưởng đến diện tích rừng là việc các dự án đổ bộ, xin chuyển mục đích sử dụng rừng.
Khu vực phía Bắc có 29/31 tỉnh rà soát báo cáo các dự án đề nghị CMĐSDR thực hiện theo quy định tại Nghị định 71/NĐ-CP. Có tới 2.259 dự án xin chuyển mục đích sử dụng 83.959 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 21.155 ha, rừng trồng 44.013 ha, đất chưa có rừng 9.470 ha, chưa xác định loại rừng 14.118 ha...
Các dự án tương đối đa dạng, trong đó nhóm dự án quốc phòng, an ninh (303 dự án), nhóm dự án công trình công cộng, an sinh xã hội (1.130 dự án), nhóm dự án phát triển kinh tế (826 dự án)...
Trong số này, hiện đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên của 12 tỉnh, gồm các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, với 53 dự án (chiếm 2,3% tổng số dự án), diện tích đề nghị CMĐSDR 506 ha (chiếm 0,6 % diện tích so với tổng diện tích đề nghị CMĐSDR của 29 tỉnh), gồm: rừng tự nhiên 450 ha (chiếm 2,8%), rừng trồng 34 ha (chiếm 0,1 %); đất chưa có rừng 21 ha (chiếm 0,2%)...
Trong khi các dự án nhăm nhe chuyển đổi diện tích lớn đất rừng thì những dự án phải trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề.
Trồng rừng ở Tuyên Quang |
Tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế các tỉnh phía Bắc là: 32.589 ha. Trong đó nhiều nhất là các dự án thủy điện (11.508 ha), các dự án sản xuất kinh doanh (16.065 ha), các dự án công cộng (5.015 ha)...
Đặc biệt, có 20 dự án xây dựng công trình thủy điện tại 5 tỉnh chưa thực hiện trồng rừng thay thế với tổng diện tích 463,2 ha. Các dự án này có biểu hiện chây ỳ, không chấp hành quy định về trồng rừng thay thế, như: Dự án Thủy điện Nậm Sọi, Dự án Thủy điện Nậm Công, Dự án mặt bằng công trình Thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), Dự án Thủy điện Hương Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế)...
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Năm 2018, ngành lâm nghiệp đã đạt được kết quả khả toàn diện trong quá trình tái cơ cấu, độ che phủ rừng cả nước đạt 42%, trong đó 31 tỉnh khu vực phía Bắc đạt tới 49,84%. Kết quả bảo vệ rừng rất khả quan, cả nước giảm 25% số vụ, 40% diện tích thiệt hại nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, của Chính phủ và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. “Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta hài lòng mà tiếp tục phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng cả về trữ lượng gỗ lâm sản và tính đa dạng sinh học, nâng cao khả năng hấp thụ các bon”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, cần cố gắng kiềm chế các vụ khai thác rừng trái phép, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian tới chuẩn bị bước vào mùa khô, cần tăng cường tuần tra kiểm soát phòng cháy chữa cháy; lực lượng kiểm lâm phải là tổng chỉ huy về lâm nghiệp trên địa bàn, đảm bảo việc minh bạch chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu cho đủ, không để các đơn vị chây ỳ.
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát rừng tự nhiên, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã rà soát các dự án có chuyển đổi rừng. Cả nước có khoảng 3.200 dự án đề nghị chuyển mục đích, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét giải quyết nhưng số lượng các dự án được phép chỉ chiếm vài %. Điều này cho thấy nguyên tắc đặt ra là không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá. Chúng ta kiên quyết chỉ cho phép những dự án về QPAN, những dự án phát triển kinh tế xã hội rất đặc biệt, những dự án rất cần thiết, bắt buộc... Khi chuyển mục đích sử dụng rừng phải đảm bảo điều kiện đảm bảo trồng rừng thay thế. Tới đây Luật sẽ qui định, không phải lấy 1 ha rừng trồng thay thế 1 ha mà có thể phải cao hơn, 2-3 ha. Mục đích là để đảm bảo phát triển rừng bền vững”, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn. |