Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập trong ngành chăn nuôi – thú y ở các địa phương.
Gia súc, gia cầm bị bệnh, kêu ai?
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn chăn nuôi vào loại lớn của cả nước. Tổng đàn trâu, bò trên 757.000 con, đàn lợn gần 1 triệu con và hàng triệu con gà, vịt.
Ngành chăn nuôi đang chiếm một vị trí quan trọng với mức giá trị đạt gần 40.000 tỉ đồng/năm. Tỉ trọng riêng lĩnh vực chăn nuôi hiện chiếm tới 40% nội ngành nông nghiệp.
Nhưng, ngành chăn nuôi vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, và người chăn nuôi không tự mình giải quyết được. Hiện tại chăn nuôi nông hộ đang chiếm tới 80% tổng đàn gia súc, gia cầm các loại của tỉnh.
Nếu trâu, bò, lợn, gà, vịt bị dịch bệnh, như hiện tại thì các hộ nông dân không biết kêu ai để khám nghiệm và hướng dẫn biện pháp cứu chữa.
Ông Nguyễn Trọng Quỳnh ở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, buồn bã nói với chúng tôi: Năm 2019 gia trại của gia đình ông nuôi 52 con lợn, trong đó có 48 con lợn thịt và 4 con lợn mạ. Thật không may, cả đàn lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi chết hết, với tổng trọng lượng 2.300kg, gây thiệt hại cho gia đình gần 200 triệu đồng. Năm nay, ông Quỳnh cố nuôi 8 con lợn thịt và 15 con bò. 8 con lợn thịt hiện nay có trọng lượng trung bình gần 100kg/con. Vừa qua, lợn có dấu hiệu bị bệnh, cả nhà đều lo và mời cán bộ chăn nuôi – thú y xã đến thăm khám để mua thuốc về chữa bệnh. Nhưng cán bộ chăn nuôi – thú y không đến, họ bảo từ đầu năm 2020 trở đi họ không có chế độ phụ cấp bán chuyên trách nữa nên không còn trách nhiệm. Nghe cán bộ chăn nuôi – thú y nói vậy, không phải gia đình tôi mà còn nhiều gia đình khác lo sợ lợn bị bệnh chết như năm ngoái, thế là nhà nào cũng gọi thương lái đến vội vàng bán chạy khi lợn đang còn sống.
Huyện miền núi Quỳ Châu là địa phương chăn nuôi trâu, bò nhiều nhất tỉnh. Ông Trần Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lý cho biết: Vừa rồi nhiều hộ có trâu bị chết do bệnh tụ huyết trùng, bà con nông dân vì tiếc của đã bán ra ngoài lấy tiền, sau đó xã mới biết và ngay lập tức UBND xã đã kịp thời ngăn chặn và cho tiêu hủy những con trâu đã chết để ngăn chặn bệnh lây lan. Theo ông Tuấn: Vận động bà con nông dân phát triển chăn nuôi trâu bò để tăng thu nhập, để xóa đói giảm nghèo đã khó. Nhưng khó nhất hiện nay mà nông dân kêu ca nhiều là không có cán bộ thú y để giúp bà con khi trâu, bò, lợn, gà, vịt bị dịch bệnh. Do chức danh cán bộ thú y xã không còn nằm trong danh mục không chuyên trách cấp xã được trả phụ cấp lương, nên cán bộ thú y họ cũng nghỉ việc. Ông Tuấn cho biết thêm: Hiện tại UBND xã giao cho chị Nguyễn Thị Lam – công chức địa chính – nông nghiệp xã kiêm nhiệm công tác thú y. Nhưng khi giao việc, chị Lam nói: “Tôi đâu biết chuyên môn thú y. Nếu có dịch bệnh, tôi chỉ biết báo cáo lên Phòng NN-PTNT huyện để họ có biện pháp xử lý”.
Cần xem xét, sửa đổi phù hợp
Việc bãi bỏ phụ cấp cho thú y cấp xã đã bộc lộ nhiều bất cập trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi. Đặc biệt với những tỉnh, thành thuần nông phát triển chăn nuôi là một thế mạnh, là một nguồn thu nhập lớn như Nghệ An thì vai trò của cán bộ thú y ở cấp xã rất cần thiết và quan trọng.
Trước thực trạng toàn tỉnh có 460 cán bộ thú y cấp xã, phường, thị trấn không còn nằm trong danh mục không chuyên trách cấp xã được trả lương, kể từ tháng 1/2020, toàn bộ nội dung công tác chăn nuôi – thú y giao cho cán bộ nông nghiệp – địa chính xã kiêm nhiệm, trong khi hầu hết họ là những người không có chuyên môn trong lĩnh vực này. Vì vậy mới có tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra ở các xóm, làng, bản không được xử lý và ngăn chặn kịp thời, rồi cứ kéo dài mãi như bệnh tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi… cứ tồn tại chưa có hồi kết.
Cũng chính không còn cán bộ thú y chuyên trách ở cấp xã nên đến nay toàn tỉnh Nghệ An có đến 279/431 xã, phường, thị trấn không tổ chức được tiêm phòng dịch bệnh vụ Xuân cho đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Việc tiêm phòng bổ sung đợt 2 cũng thực hiện không được bao nhiêu.
Trong đợt tiếp xúc cử tri cuối năm 2020 của các đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An ở một số địa phương trong tỉnh có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh về việc thiếu cán bộ chuyên trách thú y ở xã, phường, thị trấn đã gây khó khăn và để lại hậu quả lớn cho người chăn nuôi. Đề nghị cấp trên xem xét để điều chỉnh lại Nghị định số 34/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 22/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An về việc “Chức danh cán bộ thú y không còn nằm trong danh mục không chuyên trách cấp xã được trả lương kể từ tháng 1/2020” cho phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm giúp người chăn nuôi yên tâm hơn.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương XII là chủ trương lớn của Đảng. Tuy nhiên HĐND cần xem xét để có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế, vừa đảm bảo định mức số lượng cán bộ, nhưng đồng thời cũng phải căn cứ điều kiện và nhu cầu thực tế của địa phương để bố trí cán bộ phù hợp. Nếu cần, sẽ buộc phải rút những chức danh không cần thiết, hoặc cho kiêm nhiệm ở những lĩnh vực phù hợp hơn. UBND tỉnh sẽ trực tiếp đề xuất, trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung trong kì họp tới.