Hồ đập cạn kiệt
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 4/2024, tổng lượng mưa tại các tỉnh từ Đà Nẵng - Bình Thuận thiếu hụt từ 20 - 40mm. Đến tháng 5, tổng lượng mưa ở khu vực Trung bộ sẽ thiếu hụt từ 10 - 30%.
Tại tỉnh Bình Thuận, thời gian qua do nắng hạn kéo dài, không có mưa, cùng với quá trình bốc hơi nước quá nhanh đã làm cho lượng nước trong các hồ, đập trên địa bàn tỉnh ở mức rất thấp.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, đến ngày 15/4, lượng nước hữu ích tại các hồ chứa hơn 104/364 triệu m3, đạt 28,5% so với dung tích thiết kế. Còn hai hồ thủy điện Hàm Thuận và Đại Ninh mực nước hữu ích lần lượt còn 52% và 48% so dung tích hữu ích thiết kế.
Trước tình hình đó, ông Hồ Đắc Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận cho biết, đơn vị sẽ ưu tiên cấp nước sinh hoạt đến 30/7 tới và tưới phần diện tích còn lại vụ đông xuân 2023 - 2024. Cùng với đó là ưu tiên tưới cho cây thanh long và cây ăn quả đến 30/6 (trừ huyện Hàm Thuận Nam tưới đến 30/5; huyện Hàm Tân, thị xã La Gi tưới đến 30/5). Sau đó, lượng nước còn lại tại các hồ chứa sẽ bố trí sản xuất vụ hè thu.
Trước mắt, sau khi tính toán, đơn vị bố trí sản xuất vụ hè thu để đảm bảo cấp nước tưới cho gần 15.000/30.100ha lúa, màu, đạt 49% kế hoạch. Tuy nhiên trong điều kiện mưa sớm hơn, đơn vị sẽ bố trí sản xuất cho phần diện tích còn lại theo kế hoạch.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các chi nhánh, trạm bơm trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai bố trí thời vụ và diện tích xuống giống phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất”, ông Hồ Đắc Nghĩa chia sẻ.
Sử dụng giống ngắn ngày, xuống giống tập trung
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, đối với những vùng chủ động nước, vụ hè thu xuống giống tập trung từ 10/4 đến ngày 15/5. Riêng 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh, một số vùng bố trí sản xuất vụ hè thu sớm để né lũ (không sản xuất vụ mùa) thì cần tính toán cân đối nguồn nước, thời vụ xuống giống phải tập trung, né rầy. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, quản lý và theo dõi chặt chẽ tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến diện tích lúa hè thu chính vụ ở trong vùng và toàn tỉnh.
Đối với các vùng chưa chủ động hoàn toàn nguồn nước tưới thì tùy tình hình nguồn nước tại chỗ và diễn biến của thời tiết, phòng NN-PTNT hoặc phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố bố trí lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng phù hợp, đảm bảo đến 15/6 là chấm dứt thời vụ gieo trồng vụ hè thu.
Ngành nông nghiệp Bình Thuận khuyến cáo, sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cấp nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Để việc sản xuất vụ hè thu thuận lợi, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận đề nghị công ty thủy lợi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối với các địa phương cân đối, quản lý tốt nguồn nước và điều tiết nước tưới hợp lý. Đồng thời tăng cường quản lý, phát huy tác dụng của hệ thống công trình thủy lợi, chủ động xây dựng các phương án để phục vụ cho sản xuất hè thu trên cơ sở bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống.
Theo ông Hồ Đắc Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, công ty đang phối hợp các địa phương tiến hành nạo vét các kênh mương nội đồng. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết về tình hình hạn hán, để sử dụng nước tiết kiệm, đúng mức, đúng mục đích.