Đắk Lắk bước vào cao điểm nắng nóng, hàng chục hồ nước bị trơ đáy hoặc nằm dưới mực nước chết. Địa phương này đã áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.
Hồ trơ đáy, Đắk Lắk lắp các trạm bơm dã chiến lấy nước cho cây trồng
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 858 công trình thủy lợi, trong đó có 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3. Tuy nhiên đến nay, Đắk Lắk chỉ còn khoảng 200 triệu m3 nước, tập trung chủ yếu tại một số hồ có dung tích lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại có 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích dưới 50%; 135 hồ có dung tích từ 50% đến dưới 70%; 127 hồ có dung tích trên 70%.
Theo Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh. Để đảm bảo nước tưới cho cây trồng, Đắk Lắk đã tổ chức nạo vét lòng hồ, vận hành máy bơm…
Phỏng vấn: Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk.
Đối với những công trình không đủ nước, công ty chủ động làm việc với địa phương cắt giảm diện tích và khuyến cáo bà con không gieo trồng. Đối với những công trình đủ nước tưới bình thường trên tinh thần tiết kiệm nước nhất có thế. Những công trình hạn hán thì công ty thực hiện nhiều giải pháp như nạo vét lòng hồ, kênh dẫn để đưa nước về. Thứ 2 là xin ý kiến Sở NN-PTNT đối với những hồ cạn sẽ bơm nước về cho bà con.
Để ứng phó với hạn hán, mặc dù Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch chi tiết. Tuy nhiên tình hình hạn hán thực tế diễn ra khốc liệt hơn dự báo. Đặc biệt các hồ chứa nhỏ, lượng nước đến gần như bằng không và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng. Cụ thể, khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số công trình hồ chứa nhỏ, các công trình đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng lên đến hàng nghìn ha cây trồng.
Mặc dù chúng ta thấy được công tác tham mưu của chi cục, ban chỉ huy của Sở NN-PTNT rất chủ động trong xây dựng kế hoạch báo cáo UBND tỉnh phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm2023-2024. Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu, báo cáo tình hình và xây dựng kịch bản cụ thể theo dự báo hết tháng 4 không có mưa để có giải pháp phân công các đơn vị triển khai hiệu quả. Đặc biệt không để thiếu nước sinh hoạt của người dân và cứu những vùng cây công nghiệp bị thiếu nước.
Hiện nay, Đắk Lắk gặp khó khăn là diện tích cà phê, sầu riêng và tiêu cần nước. Đây là những cây giá trị cao nên khi thiếu nước người dân sẽ giành tưới dẫn đến sông hồ nhanh cạn kiệt hơn.
Địa phương này đã lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông suối và từ dung tích chết của hồ, xây dựng một số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông có nguồn nước như ở huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Ea Kar. Đắk Lắk đang tiếp tục cập nhật tình hình hạn hán và xây dựng phương án ứng phó đối với trường hợp đến cuối tháng không có mưa.