Từ chiến trường Điện Biên máu lửa…
Trong căn nhà riêng gần hồ Ba Mẫu giữa thủ đô, đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại những năm tháng vừa mới đôi mươi được tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà của toàn quân, toàn dân ta. Đó cũng có thể coi là niềm tự hào của nhân dân thế giới. Một đất nước Việt Nam nhỏ bé luôn luôn bị xâm lược từ thời vua Hùng cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử của chúng ta đã sang một trang mới”, ông bồi hồi kể.
Năm 1954, nhạc sĩ Doãn Nho khi ấy mới chỉ 21 tuổi, nhưng ông đã tham gia nhập ngũ từ 4 năm về trước và trở thành thành viên của Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Ông vừa là nhạc công chơi đàn violon, vừa là nhạc sĩ sáng tác.
“Được phục vụ trong thời gian đó hết sức là vinh dự. Chúng tôi phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại ATK (An toàn khu) Định Hóa (Thái Nguyên) - nơi Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là An toàn khu (ATK), “Thủ đô kháng chiến” trong chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp. Đó cũng là nơi Bác Hồ, Bộ Chính trị chỉ đạo, đưa ra những quyết định lịch sử. Chúng tôi tiếp các đoàn quân ra trận đều đi qua ATK. Khi đánh thắng Điện Biên xong cũng đón đoàn quân về qua ATK”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.
Ngoài ra, một kỉ niệm đáng nhớ khác đối với nhạc sĩ Doãn Nho là được xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi” của đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Roman Karmen (người được lãnh đạo Chính phủ Liên Xô giao nhiệm vụ sang Việt Nam vào cuối Chiến dịch Điện Biên Phủ để ghi lại những hình ảnh quý giá vào giờ phút hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp). Nhạc sĩ Doãn Nho xuất hiện trong bộ phim khoảng hơn 10 giây, lúc ông đang kéo đàn violon phục vụ cho các chiến sĩ bộ đội trong giờ nghỉ giải lao trên đường hành quân.
Thế nhưng niềm vui chiến thắng luôn đi kèm với những hy sinh mất mát. Ông xúc động chia sẻ: “Sở dĩ quân Pháp ra đầu hàng chính là sau tiếng nổ lớn, khói thuốc nổ chúng ta đào để trong lòng đồi A1. Khi cho nổ đã rung toàn bộ cả đồi A1 và cả hệ thống của Điện Biên. Và những người lính chiến đấu trên đỉnh đồi A1 và vị trí xung quanh đồi E, đồi C... cho chúng tôi biết, có được tiếng nổ đó để giặc kéo lũ ra hàng, thì ta cũng phải chấp nhận hy sinh lớn lao. Tôi đã từng nghe câu chuyện của những người chứng kiến trực tiếp kể lại và tôi đã khóc vì xúc động”.
… tới cùng nhau “Tiến bước dưới quân kỳ”
Sau đó 2 năm, chiến trường Điện Biên đó trở thành nông trường Điện Biên. Cán bộ chiến sĩ – những người đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Điện Biên khi ấy trở thành nông trường viên. Nhạc sĩ Doãn Nho được cử đi lên Điện Biên làm tiền trạm với nhiệm cụ thể phải có một sáng tác bài hát mới trước khi Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị tới nơi.
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, ông đã hoàn thành “nhiệm vụ” vì quá xúc động khi nhớ lại những ký ức ở chiến trường Điện Biên Phủ với hình ảnh của các đồng đội đã hy sinh nằm lại trên đỉnh đồi.
Nhạc sĩ Doãn Nho bộc bạch: “Khi đến chân đồi A1, bước lên từng bậc đỉnh đồi, tôi không kìm được mà khóc. Sự xúc động đã khiến tôi viết ngay một nét nhạc để lưu giữ lại kỷ niệm đó, và sau này đã viết nên tác phẩm: “Bước từng bậc/ Nhớ từng người/ Lòng đau đớn/ Uất ức/ Căm hờn/ Thù này phải trả/ Đồng chí ta ơi”.
Chính từ nét nhạc nhật ký đó, khi lên đỉnh đồi tôi ngồi giữa cái xe tăng gục nòng của giặc Pháp và bên cạnh là hai mộ liệt sĩ vô danh mà tôi đã viết: Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim…”.
Nhưng chỉ một nét nhạc đó thôi thì chưa đủ trở thành một bài hát. Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, nét nhạc trên là nét nhạc trầm hùng, gợi lên hình ảnh của các cựu binh.
“Thời điểm ấy ta đã cho ra quân hàng vạn cán bộ chiến sỹ trở về hậu phương sản xuất và cho nhập ngũ hàng vạn tân binh. Nét nhạc trầm hùng gợi lên hình ảnh cựu chiến binh và là đoạn giữa của bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ”. Tôi viết tiếp nét nhạc tươi sáng mở đầu bài hát để tạo dựng hình ảnh những tân binh như vậy khi hát lên ta cảm nhận rõ hết thế hệ này đến thế hệ khác cùng nhau tiến bước dưới quân kỳ.
Đó là đoạn: “Vừng đông đã hửng sáng/ Núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa/ Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao/ Muôn trái tim này hòa nhịp/ Cùng ngàn lời ca trong sóng lúa/ Lấp lánh sao bay trên quân kỳ…”.
Cả hình ảnh cựu binh và các tân binh, nối tiếp, sát cánh bên nhau, cùng nhau tiến bước dưới quân kỳ”, nhạc sĩ Doãn Nho hào hứng.
Chia sẻ thêm về vai trò của giới văn nghệ sĩ trong Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết: “Những đóng góp của các giới văn nghệ sĩ, kể cả hội họa, kể cả thơ văn đều là những cột mốc trong sự nghiệp sáng tạo của nền văn học nghệ thuật của chúng ta nói chung”.
Những người nhạc sĩ quân đội như nhạc sĩ Doãn Nho luôn có mặt ở các chiến trường từ chiến dịch Việt Bắc cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ; sau này trong cả công cuộc chống Mỹ tại các chiến trường miền Nam, Tây Nguyên...Vì vậy mà những sáng tác của ông cũng chính từ những cảm xúc trong quá trình phục vụ trong quân ngũ. Ông vừa phải bám sát ở chiến trường, nhưng đồng thời luôn giữ cảm xúc của mình luôn luôn mới, từ thủ pháp viết tới cả những chất liệu cũng phải mới để tạo được cảm xúc cho các cán bộ chiến sĩ.
Nhạc sĩ Doãn Nho sinh ngày 1 tháng 8 năm 1933; quê ở làng Cót, xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Ông là một nhạc sĩ, đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam được biết tới với những ca khúc Tiến bước dưới quân kỳ, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Chiếc khăn piêu...Nhạc sĩ Doãn Nho thuộc thế hệ lớp người cuối cùng từng trải 3 các sự kiện lớn của lịch sử dân tộc như Ngày Quốc khánh 2/9/1945; Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Giải phóng miền Nam 30/4/1975.