| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Hà Nội: 'Không hề có chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh'

Thứ Năm 19/03/2015 , 21:52 (GMT+7)

"Việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh", ông Nguyễn Thế Thảo phát biểu.

Sáng 19/3, tại phiên họp thường kỳ của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. 

"Chủ trương đề án chặt hạ, thay thế cây xanh, thông tin kém đến mức cả những người làm công tác truyền thông, cho đến người dân không hiểu hết về đề án", ông Thảo nói.

cay1-JPG-1648-1426748953.jpg
Những cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh bị chặt hạ. Ảnh: Quý Đoàn.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trong khi thực tế đó là kế hoạch từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...

"Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ; hoàn toàn không phải vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc này", ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo thành phố, việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng không đảm bảo an toàn giao thông. Trên thực tế đã có việc cây đổ gãy gây tai nạn chết người.

6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết
6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây "già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết". Ảnh: Quý Đoàn.

Liên quan những ý kiến chưa đồng thuận, Chủ tịch Hà Nội cho hay thành phố sẽ tiếp thu những ý kiến đúng, nhưng cái gì có lợi cho người dân thì thành phố sẽ làm không vì một lợi ích cá nhân nào.

Báo cáo lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nêu, 6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết cũng như nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các Tổ chuyên gia gồm Ban Dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh, của UBND các quận khảo sát và báo cáo. Số lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô  thị và môi trường sinh thái.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, việc thay thế cây sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp đã ủng hộ thay thế cây tại 9 tuyến phố, trung bình mỗi đơn vị tham gia đóng góp cây cho một tuyến phố. Số cây đã và đang thực hiện thay thế vào khoảng hơn 500. Số còn lại phụ thuộc vào từng doanh nghiệp tài trợ.

"Những cây to, lượng gỗ lớn sẽ được thu hồi và tổ chức bán đấu giá, nộp ngân sách. Các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ đóng góp cây xanh, như vậy thì làm gì có lợi ích cá nhân trong việc này", ông Dục khẳng định.

Trước đó, khi Hà Nội đưa thông tin về việc sẽ chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh ở thành phố, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối.

(VnExpress)

Xem thêm
Việt Nam kiến tạo kỷ nguyên mới trên những trụ cột nào?

Hội thảo khoa học quốc gia 'Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn', diễn ra sáng 15/11.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.