Nhân chuyến công tác tại Đồng Tháp, ngày 29/3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Hội quán cùng nhau làm du lịch (TP Sa Đéc) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười - Đồng Tháp).
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, trong những năm qua, mô hình Hội quán ở Đồng Tháp được tiếp tục phát triển vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 Hội quán, trong đó có khoảng 80% là Hội quán về nông nghiệp.
Hội quán cùng nhau làm du lịch ra đời vào năm 2019, hiện có 27 thành viên, là nơi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin thị trường, xây dựng sản phẩm, liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong thời gian qua, trên nền tảng Hội quán, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhiều Hội quán thành lập nâng lên thành HTX nhằm phát huy sản xuất nông nghiệp đang mang lại hiệu quả rất rõ nét.
Đến thăm Hội quán cùng nhau làm du lịch, ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán, vui mừng chia sẻ: So với nghề trồng hoa truyền thống thì khi tham gia Hội quán, lợi nhuận kinh tế của các thành viên tăng gấp 4-5 lần so với trước đây. Đây là mô hình giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng đến xây dựng người nông dân chuyên nghiệp và cũng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế hợp tác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cách làm nông nghiệp của Đồng Tháp, đồng thời nhấn mạnh, việc nâng cao thu nhập cho người nông dân là một thành quả rất lớn cần phát huy hơn nữa, xem đây là lợi ích lớn và thiết thực cho người dân nhằm góp phần phát triển kinh tế cho đất nước. Chính từ việc nâng cao thu nhập đã khuyến khích người nông dân tích cực tham gia Hội quán, bởi nếu cứ sản xuất riêng lẻ thì không thể chống chọi với nền kinh tế thị trường có quy mô lớn, mang tính chất toàn cầu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý thêm cho tỉnh Đồng Tháp, với vẻ đẹp và sự đa dạng của làng hoa trăm năm tuổi thì TP Sa Đéc có thể tổ chức lễ hội hoa để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, người trồng hoa cần liên kết, hợp tác sản xuất quy mô lớn và theo hướng hữu cơ, nghiên cứu đa dạng các sản phẩm từ hoa.
Chủ tịch nước mong muốn, tinh thần “3 cùng”: cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau thụ hưởng, phải được nhân lên để hướng đến mục đích cuối cùng là “cùng nhau thắng lợi”.
Ngay sau buổi làm việc với Hội quán cùng nhau làm du lịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười).
HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 được thành lập từ năm 2013 với 108 thành viên, hoạt động 3 dịch vụ chính như: Dịch vụ tưới tiêu, nạo vét kênh mương và liên kết tiêu thụ lúa, hàng năm Hợp tác xã đều có lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Đây là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh được chọn thực hiện thí điểm mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” với diện tích 66,5 ha.
Mô hình sử dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo trồng đến khâu sản xuất như: Máy cấy kết hợp bón phân vùi, phun thuốc bằng máy bay, hệ thống tưới tiêu nước tự động bằng năng lượng mặt trời, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh.
Qua thực hiện, mô hình giúp nông dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật áp các khâu quan trọng như: Giảm giống gieo sạ, giảm số lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước, quản lý nước ngập khô xen kẻ bằng hệ thống bơm tưới tự động, sử dụng phân thông minh duy nhất chỉ bón 1 lần cho cả quá trình sinh trưởng cây lúa, góp phần giảm phát khí thải nhà kính.
Bên cạnh đó, giúp giảm chi phí sản xuất từ 150 - 250 đồng/kg, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân hơn từ 5 - 8 triệu đồng/ha so với canh tác bình thường. Ngoài ra còn tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả của HTX nhất là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự động hóa trên cánh đồng, tổ chức tốt khâu liên kết đầu vào và đầu ra gắn với thị trường. Đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người nông dân, HTX phải gắn kết với doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiêp theo hướng bền vững.
Cuối cùng kết quả của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 ở Đồng Tháp là nơi đáng chia sẻ và mô hình mẫu để nhân rộng HTX nông nghiệp tại Việt Nam làm theo.