Tạo mọi điều kiện để Hội quán phát triển
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: Mô hình Hội quán của tỉnh Đồng Tháp trên tinh thần tự nguyện và đồng thuận của nhân dân, từ đó đã góp phần vào việc phát huy vai trò “mảnh ghép” gắn kết ngành nông nghiệp với Hội Nông dân và các chủ thể quan trọng khác trong việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng cộng 115 Hội quán với gần 6.000 thành viên, trong đó có các huyện như Châu Thành, Tân Hồng, Cao Lãnh đã có 100% xã, thị trấn có mô hình Hội quán và tổng số hợp tác xã được thành lập từ nền tảng Hội quán là 27 hợp tác xã.
Theo ông Phong, các cấp các ngành từ tỉnh đến cơ sở cơ bản nhận thức đúng chủ trương của tỉnh về mô hình Hội quán, phát huy vai trò tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc của người dân tại địa bàn dân cư, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chỉnh trị, phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho mô hình Hội quán hoạt động thực sự hiệu quả.
Sự lãnh đạo của các cấp ủy bám sát yêu cầu thực tiễn ở cộng đồng đặt ra, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến nhận thức nhân dân nhằm hướng đến mục tiêu "4 tự": Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản. Mọi hoạt động của Hội quán đều gắn với quyền và lợi ích chính đáng của thành viên, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án trọng tâm của địa phương.
Anh Lê Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Hội quán nuôi lươn Thường Phước ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: Mặc dù năm qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn nhưng Hội quán nuôi lươn Thường Phước vẫn phát triển tốt nhờ có đầu ra ổn định, giúp người dân có lãi.
Theo anh Tuấn Anh, Hội quán nuôi lươn Thường Phước được thành lập vào năm 2019, ban đầu có 79 thành viên, nay tăng lên 111 hội viên với 316 bồn nuôi lươn. Hơn 2 năm qua, mô hình nuôi lươn trên bể bạt của các thành viên trong Hội quán không ngừng phát triển. Điều này là nhờ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo địa phương, từ đó tạo động lực, mối đồng thuận thống nhất của các thành viên và liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất để nâng cao chất lượng, góp phần tăng hiệu quả một cách bền vững.
Trong năm 2021, các thành viên trong Hội quán đã thả nuôi 258.000 con lươn giống. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ban chủ nhiệm Hội quán đã tích cực tuyên truyền, động viên các thành viên duy trì, cùng nhau vượt khó khăn.
Kết quả trong mùa dịch Covid-19, Hội quán đã tổ chức xuất bán gần 30 tấn lươn thịt từ 300 - 600 gram/con cho thị trường TP. HCM với giá giao động từ 120 -140 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, các thành viên trong Hội quán còn sản xuất lươn giống cung cấp cho các tỉnh ĐSBSCL, đem lại thu nhập khá cao.
Bình quân mỗi thành viên trong Hội quán nuôi từ 6 - 7 bồn lươn thịt, sau khi trừ hết các chi phí người nuôi có lãi từ 50 - 70 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Tỉnh đến cơ sở ở Đồng Tháp đã phối hợp hỗ trợ kịp thời cho các thành viên Hội quán trong việc cập nhật kiến thức mới, học tập kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin.
Các thành viên Hội quán từng bước nâng cao kiến thức, tiếp cận nhanh với các định hướng, chủ trương của Tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tích cực tham gia có trách nhiệm, làm lực lượng nòng cốt trong việc chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất, phát triển dịch vụ du lịch và các phong trào thi đua yêu nước khác tại các địa phương.
Thành viên Hội quán phải tự đốt cháy khát vọng
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Phát triển Hội quán ở Đồng Tháp không thể quá nóng vội, cái gì ban đầu cũng có những chệch choạc. Ở các nước, mô hình Hội quán phát triển như hiện nay đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Hội quán ở Đồng Tháp là hướng đi tự nguyện để tìm kiếm sự liên kết và đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó đưa nông sản đi xa hơn, giúp bản thân nông dân tăng thu nhập ổn định...
Theo Bộ trưởng, giá trị của Hội quán là thiết lập cộng đồng dân cư, tự đứng lên từ đôi chân mình, cùng nhau liên kết làm ăn với nhau để làm giàu.
"Cái bẫy làm ăn một mình là ngàn đời không thoát khỏi cảnh làm ăn riêng lẻ, manh mún, chi phí sẽ cao, sản phẩm không chất lượng, không tìm kiếm được thị trường, khó tìm nhà khoa học đến huấn luyện được cho nông dân... Làm ăn liên kết như Hội quán ở Đồng Tháp sẽ tạo được sức mạnh trong cộng đồng dân cư trong sản xuất nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để Hội quán phát triển, mỗi thành viên phải tự đốt cháy ngọn lửa khát vọng của mình. Nông dân Việt Nam giỏi, cần cù. Nhà khoa học "chân đất" rất nhiều, cái gì người khác làm được nông dân chúng ta làm được...
Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay là nông dân không chịu hợp tác với nhau. Chỉ biết “đèn nhà ai nấy sáng”, lủi thủi làm một mình, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Làm ăn riêng lẻ, chi phí cao, chất lượng thấp sản phẩm thấp, không đồng đều, khó tìm kiếm thị trường.
"Những “cái bẫy” làm ăn riêng lẻ chúng ta vẫn chưa thoát ra được. Mỗi người dân có sáng kiến, sức mạnh, cần kết hợp sáng kiến, sức mạnh đó. Nó lớn vô cùng, không còn là cấp số cộng mà là cấp số nhân trong cộng đồng dân cư", Bộ trưởng nói.