| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô

Thứ Ba 25/07/2023 , 22:10 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Lâm Hiển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Lâm Hiển.

Nhấn mạnh phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội mà là trách nhiệm chung của cả nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời nêu rõ, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. 

Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, chiều nay, 25/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội và việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bám sát thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách kiến tạo phát triển Thủ đô

Qua các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, nhất là những ý kiến, đề xuất, gợi mở để Hà Nội tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Lâm Hiển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Lâm Hiển.

Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid - 19 và những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới vừa qua, Chủ tịch Quốc hội biểu dương Thành ủy Hà Nội và cả hệ thống chính trị Thủ đô đã rất nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện, đặc biệt là kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid - 19.

Bình quân 2 năm 2021 - 2022, GRDP của Thủ đô tăng 5,86% cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; thu ngân sách vượt dự toán hàng năm; chi ngân sách điều hành chủ động, linh hoạt với cơ cấu chi rất tích cực khi có đến gần 50% dành cho đầu tư phát triển; bảo đảm được cân đối ngân sách các cấp và kịp thời bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, dịch vụ tăng nhanh cả về cơ cấu trong GRDP và cơ cấu lao động...

“Các cụ ta có câu ngắn sào dễ trở, nhưng quy mô kinh tế của Thủ đô lớn, "sào" dài mà “trở” được như thế này là rất tốt. Kết quả của Thủ đô đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế của cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhất trí với đánh giá của Thành ủy Hà Nội về những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, thời gian tới, Hà Nội tập trung đánh giá, rà soát sâu hơn kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ, khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ; làm rõ nguyên nhân khiến năng lực tổng thể của Thành phố có sụt giảm so với mặt bằng chung của cả nước; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra; làm tốt hơn nữa công tác đầu tư công; triển khai tích cực, hiệu quả các quy hoạch đã có. “Không chỉ riêng Hà Nội mà cả nước chắc chắn cũng đều mong muốn Hà Nội phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đột phá hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Quốc hội sẽ nghiên cứu, xử lý ngay, có thể đưa ngay vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội ủng hộ với tinh thần tạo thuận lợi nhất cho Thủ đô phát triển xứng tầm vai trò, vị thế đặc biệt của mình.

Đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Nhất trí với các thành viên Đoàn công tác về việc sửa đổi Luật Thủ đô cần bám sát các chủ trương, chính sách và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải bám sát việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với Hà Nội, đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể chế hóa được các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Thủ đô Hà Nội như Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch đẹp, an ninh, an toàn, văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh và bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

"Luật Thủ đô (sửa đổi) phải được đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật. Việc quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô là rất cần thiết và có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với quy định của Hiến pháp và chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành sẽ được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật. Ở đây, phải hết sức chú ý vấn đề áp dụng pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Lưu ý Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những đô thị đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải quy định các vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, đồng thời thể chế hoá được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền để thực hiện hiệu quả nhất các yêu cầu quản trị, phát triển Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực huy động, quản lý, khai thác các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô...

"Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của cả nước. Ở đây không phải là xin - cho cơ chế đặc biệt gì cho Hà Nội cả mà là trách nhiệm của cả nước trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Phải xác định tư duy, quan điểm như vậy để Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đều phải tập trung công sức, trí tuệ hoàn thiện dự luật này. Các quy định của Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào dự án quy hoạch Thủ đô tháng 11/1959. Ảnh: Lâm Hiển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý vào dự án quy hoạch Thủ đô tháng 11/1959. Ảnh: Lâm Hiển.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...

Tán thành với ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi sẽ rộng hơn so với Luật hiện hành, quy định về: vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; cơ chế tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội gợi ý với những nội dung đã chín, đã rõ thì có thể đề xuất bổ sung vào dự án Luật, không nhất thiết "bó cứng" trong 9 nhóm chính sách này để pháp luật thực sự phản ánh đúng, trúng thực tiễn cuộc sống. 

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý TP. Hà Nội cần tham vấn sâu rộng ý kiến của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân; tổ chức các toạ đàm, hội thảo lấy ý kiến sâu rộng về dự án Luật; tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông để người dân đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Trọng tâm là phân quyền

Trước đó, tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh đã báo cáo cụ thể các kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và đề xuất các kiến nghị về thể chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho TP. Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế đặc biệt là Thủ đô của đất nước và những trọng trách mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị giao cho Hà Nội.

Các thành viên Đoàn công tác của Quốc hội đều đánh giá cao sự phát triển của TP. Hà Nội thời gian qua, đặc biệt, diện mạo của Thủ đô sau hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô đã ngày càng hiện đại, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, Hà Nội đã khai thác, vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội trao cho tại các Nghị quyết cũng như các quy định của Luật Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển.

Tập trung cho ý kiến về việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các thành viên Đoàn công tác cũng chỉ rõ, đây là đạo luật có nhiều cơ chế đặc thù, đột phá, có phạm vi tác động rộng, khác với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đột phá có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Do đó, ngay tại Hội nghị lấy ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 30.3.2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng về nội dung, hồ sơ dự án Luật và tiến độ trình dự án Luật.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Cơ bản nhất trí với 9 nhóm chính sách xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội, song, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thêm các chính sách này bởi hiện nay, Hà Nội đang tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, điều này rất có ý nghĩa đối với việc xây dựng các chính sách mới trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Thủ đô phải kế thừa Luật Thủ đô hiện hành; kế thừa và luật hoá các Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách, về tổ chức bộ máy đô thị đã áp dụng cho Hà Nội và các Nghị quyết được Quốc hội áp dụng cho các địa phương khác. Đồng thời, phải tập trung thể chế hoá Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện được các cơ chế, chính sách vượt trội so với pháp luật hiện hành nhưng vẫn phải trong khuôn khổ Hiến pháp.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sĩ Thanh cho biết, Hà Nội mong muốn được giao một số thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư, đầu tư công để xử lý những vấn đề đang rất ách tắc hiện nay. Đồng thời, tăng thẩm quyền cho Thủ đô về tổ chức bộ máy như: chủ động quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù cấp thành phố, cấp huyện; tăng số lượng đại biểu và đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố: (tăng số lượng từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ chuyên trách 25%); được chủ động Quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập”. Quy định“người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội, UBND cấp huyện được xem xét bổ nhiệm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định làm cấp phó của mình”; cho phép “ký hợp đồng làm việc với cá nhân có năng lực, trình độ cao đang ngoài khu vực nhà nước và bổ nhiệm chức danh quản lý, điều hành ở một số đơn vị của Thành phố”. 

Thành phố cũng mong muốn được phân quyền trong việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, đất trồng lúa sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định (không bị hạn chế về quy mô); quy định thu hồi đất “vùng phụ cận” khi thực hiện các dự án mở rộng tuyến đường giao thông, đầu tư đường sắt đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang, tái thiết đô thị. 

Thành phố được giữ lại 100% tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện nhiệm vụ phát triển Vùng Thủ đô, hỗ trợ di dời các cơ quan Trung ương, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất theo quy hoạch để có quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng. Cho phép Thành phố được “Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô”.

Cho biết các đề xuất trên hiện còn ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị cho giữ lại các phương án ban đầu do Thành phố đã đề xuất, đồng thời bổ sung các điều kiện để kiểm soát chặt chẽ bởi đây là những nội dung quan trọng, cần thiết mà Thành phố đã nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn trong quá trình tổng kết thi hành Luật Thủ đô, lập đề xuất chính sách và đánh giá tác động cụ thể trong quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Những nội dung này cũng là nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. 

Tán thành chủ trương phải phân cấp, phân quyền mạnh nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo cho Thành phố trong quá trình phát triển, song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trọng tâm phải là phân quyền, tức là giao quyền của Quốc hội, của Chính phủ cho Hà Nội và không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả các đơn vị của Hà Nội. Song song với phân quyền, giao quyền phải gắn rất chặt với trách nhiệm, điều kiện bảo đảm, quy định rõ trách nhiệm tương ứng với thẩm quyền được giao của Hà Nội và cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.

Xem thêm
Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Rà soát khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để di dời dân

KHÁNH HÒA Các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

68 ngày đêm thần tốc thi công khu tái định cư Làng Nủ

Lào Cai tổ chức lễ bàn giao 40 căn nhà mới ở Làng Nủ; 15 căn nhà mới ở Nậm Tông cho 48 hộ dân bị mất nhà do lũ quét, thiên tai.