Thủ tướng khẳng định việc đầu tư dự án vành đai 4 kết nối Hà Nội với các địa phương sẽ tạo ra không gian phát triển cho cả Vùng thủ đô. Dự án sẽ giúp giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh.
Bí thư Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung tại 3 tỉnh, thành phố
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng thủ đô Hà Nội, kết nối thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Qua đó, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vùng thủ đô.
Lần đầu tiên, một dự án trọng điểm quốc gia, là nhiệm vụ của Trung ương, nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ đã nhất trí giao cho thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung cho cả 3 tỉnh, thành phố.
Triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 hoàn thành trước năm 2027, thành phố Hà Nội đã chủ động làm việc với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đề xuất Chính phủ cho phép lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội (gọi tắt là Dự án) theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 về việc triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022, trong đó UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, phê duyệt các dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền.
Dự án đường Vành đai 4 được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập với tổng diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng gần 1.400ha, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Thành phố Hà Nội làm chủ quản, có thẩm quyền đối với 3 dự án
Dự án thành phần 1.1: “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố Hà Nội có Tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng.
Để thực hiện Dự án thành phần 1.1, thành phố Hà Nội sẽ tiến hành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín). Tổng diện tích thu hồi là gần 800ha, bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ bị ảnh hưởng đất ở bởi Dự án.
Dự án thành phần 2.1: “Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội”. Tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận thành phố Hà Nội: Tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2km; quy mô mặt cắt ngang (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) B=12m, mặt cắt ngang cầu B=15,5m. Các hạng mục chủ yếu của dự án: Nền, mặt đường, cầu, thoát nước, chiếu sáng, an toàn giao thông.
Dự án thành phần 3: “Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư”. Tổng mức đầu tư khoảng 56.500 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc tổng chiều dài khoảng 113,5km (Hà Nội khoảng 58km, Hưng Yên hơn 19km, Bắc Ninh hơn 36km (26,56km đường Vành đai 4 và tuyến nối 9,7km).
Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (từ 17m đến 17,5m). Riêng mặt cắt ngang các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống (cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng) bề rộng là 24,5m.
Bố trí 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục Đại lộ Thăng Long; nút giao QL6; nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao QL38; nút giao cao tốc Nội Bài – Hạ Long), hoàn thiện nút giao Tây Nam, thành phố Bắc Ninh; và các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.
UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền đối với 4 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh có 2 dự án thành phần gồm dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh quản lý.