| Hotline: 0983.970.780

'Chữa bệnh' cho hồ đập trước mùa mưa bão

Thứ Hai 02/10/2023 , 19:09 (GMT+7)

Công tác đảm bảo an toàn hồ đập luôn là vấn đề được tỉnh Quảng Nam quan tâm hàng năm nhằm tránh những rủi ro do thiên tai gây ra cho vùng hạ du.

Hồ chứa nước Hố Do đã hoàn thành 95% khối lượng, đảm bảo đủ điều kiện an toàn vượt lũ. Ảnh: Lê Khánh.

Hồ chứa nước Hố Do đã hoàn thành 95% khối lượng, đảm bảo đủ điều kiện an toàn vượt lũ. Ảnh: Lê Khánh.

Toàn tỉnh Quảng Nam có 73 hồ đập lớn nhỏ trong đó đa phần các công trình này đã được xây dựng cách đây vài chục năm. Sau 1 thời gian dài sử dụng, nhiều hồ chứa đã có dấu hiệu xuống cấp, nguy cơ mất an toàn. Vậy nên, nhiều năm qua, trước khi mùa mưa bão đến, tỉnh này đều tiến hành rà soát các hồ chứa hư hỏng nặng để đề xuất bố trí kinh phí sữa chữa, khắc phục.

Bằng các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh cũng như các địa phương, nhiều công trình đã được gia cố, tu sửa để đáp ứng nhiệm vụ tích nước phục vụ sản xuất cũng như cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu. Theo quan điểm tỉnh này quán triệt thì những hạng mục trọng yếu của hồ đập bị hư hỏng đều phải hoàn thành trước tháng 9 mỗi năm, trước khi mùa mưa bão bắt đầu.

Ghi nhận tại hồ chứa Hố Do (huyện Thăng Bình), đây là hồ chứa được đầu tư xây dựng mới vào năm 2022 với chức năng giữ, cung cấp nước tưới cho hơn 1.000ha đất sản xuất cũng như phục vụ nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân ở xã Bình Quế. Sau 2 năm triển khai, các đơn vị thi công tập trung phương tiện, thiết bị và nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình.

Đến nay, hồ chứa đã hoàn thành xong khoảng 95% khối lượng, trong đó, phần thân đập chính và các hạng mục trọng yếu đã hoàn thành, đảm bảo chắc chắn, an toàn tích nước trong mùa mưa bão năm nay.

Theo đại diện đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hạng mục của công trình này chưa hoàn thành là đường vận hành bổ sung. Trong thời gian tới, tranh thủ những thời điểm thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công sẽ tiếp tục gấp rút hoàn thiện để kịp bàn giao vào cuối năm.

Các hạng mục trọng yếu luôn được tỉnh Quảng Nam ưu tiên sửa chữa trước khi mùa mưa bão bắt đầu vào những tháng cuối năm. Ảnh: Lê Khánh.

Các hạng mục trọng yếu luôn được tỉnh Quảng Nam ưu tiên sửa chữa trước khi mùa mưa bão bắt đầu vào những tháng cuối năm. Ảnh: Lê Khánh.

Tương tự, tại hồ chứa Hố Giang (xã Quế Long, Quế Sơn), công trình này vừa được nâng cấp nhiều hạng mục như bề mặt thân đập hồ chứa, đường giao thông nội bộ… Việc hoàn thành sớm không chỉ giúp cho hồ chứa phát huy tác dụng tích trữ nước mà còn tạo sự yên tâm, giảm thiểu tối đa rủi ro khi có mưa bão kéo dài.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, trong năm 2023, đơn vị này thực hiện thêm 4 dự án nâng cấp, sữa chữa các hồ chứa: Hồ 3/2, Nước Rin, Đập Quang, Đá Chồng. Dù mới bắt đầu khởi công từ tháng 7 nhưng đến nay cũng đã đạt được 40% khối lượng công việc. Dự kiến, các hạng mục chính của 4 hồ chứa này sẽ kịp hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

“Đối với 17 hồ chứa thuộc dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập (WB8), triển khai thi công từ năm 2018 đến nay đã hoàn thành. Chúng tôi đã bàn giao đưa vào sử dụng 3 hồ chứa, đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao đưa vào sử dụng các hồ còn lại. Các công trình trên đến nay đều đáp ứng tốt nhiệm vụ tích trữ nước cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn vượt lũ”, ông Hải thông tin.

Song song với nhiệm vụ sữa chữa, nâng cấp hồ đập xuống cấp, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn. Cuối tháng 8 vừa qua, đơn vị này cũng đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai với sự tham gia của toàn bộ cán bộ, nhân viên cơ quan.

Ông Võ Văn Điềm, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai sẽ thực hiện công tác kiểm tra các công trình do đơn vị quản lý thực hiện để chỉ đạo xây dựng phương án bảo vệ công trình; theo dõi tình hình trước, trong và sau thiên tai để khắc phục hậu quả nếu có.

“Đồng thời, chúng tôi cũng ra thông báo phân công nhiệm vụ cho từng thành viên gắn với công việc cụ thể. Các trưởng, phó ban sẽ chịu trách nhiệm toàn diện cho các dự án được phân công phụ trách. Tham mưu công tác dự trữ vật tư, lương thực, hậu cần… để chủ động khi xảy ra tình huống. Các chuyên viên sẽ trực tiếp theo dõi, triển khai ứng phó thiên tai với từng dự án. Phối hợp với địa phương trong công tác bảo vệ công trình để hạn chế tối đa các thiệt hại”, ông Điềm nói.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.