Lúc 24h ngày 27/9, tại UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban chỉ đạo tiền phương chủ trì họp với lãnh đạo các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh khu vực miền Trung, đến thời điểm 24h ngày 27/9, chưa có bất cứ báo cáo thiệt hại, sự cố và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn do bão Noru gây ra.
Ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, thời tiết tại thành phố Huế mưa bắt đầu nặng hạt. Càng về khuya mưa càng lớn, gió giật liên hồi. Lượng mưa tính từ 07h đến 23h ngày 27/9 đạt 190 - 276mm.
Trên các đường phố chính trung tâm thành phố như Lê Lợi, Hà Nội, Lý Thường Kiệt, Đống Đa… không bóng người qua lại sau khi tỉnh yêu cầu người dân không được ra đường từ 21h ngày 27/9.
Theo số liệu từ Sở Du lịch Thừa Thiên – Huế, có gần 2.200 khách du lịch (690 khách quốc tế) đang lưu trú trên địa bàn. Toàn bộ du khách trên đều đã được cập nhật thông tin về bão Noru sắp đổ bộ vào đất liền. Trước đó, những khách sạn có hội nghị, sự kiện ngày 27-28/9 đã được thông báo tạm hủy để đảm bảo an toàn.
Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã bố trí 12 tổ công tác đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian bão vào.
Liên hệ với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Bằng, thôn 14, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền cho biết, thời điểm này ông đang thức canh nước lớn để cho thuyền vào cập bờ bởi khu vực không có âu thuyền nên thuyền phải đậu ở ngoài xa. Hiện ông đang đợi nước lên tới đường quốc phòng 49B để kéo thuyền lên đường.
“Hiện tại gió bắt đầu thổi khoảng cấp 8. Giờ chỉ có ngồi đợi khi nào thấy bão to hơn thì lên nhà thôi. Ở chỗ neo đậu này người ta làm ruộng đợi nước lút đê ngăn mặn thuyền mới vào được. Mưa gió thế này mà neo thuyền ở ngoài xa tôi không yên tâm. Nếu nước lên là tôi đưa thuyền vào bờ ngay”, ông Bằng nói.