| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta có chấp nhận nghĩ khác đi không?

Thứ Ba 26/10/2021 , 18:44 (GMT+7)

Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đối thoại với 6 doanh nhân, đại diện cho các ngành hàng nông sản quan trọng của Việt Nam.

Bây giờ ra chợ sao toàn bày bán mít Thái, sầu riêng giống Thái?

Tại buổi tọa đàm, một người dân đã gửi thắc mắc đến Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Bây giờ ra chợ toàn bày bán mít Thái, sầu riêng giống Thái, măng cụt cũng giống Thái. Trong khi đó, những giống cây trồng ngon của Việt Nam ngày càng biến mất. Vậy, phải đầu tư cho khoa học nông nghiệp làm sao để một ngày nào đó khi sang Thái Lan, chúng ta thấy măng cụt Việt Nam, sầu riêng Việt Nam, mít Việt Nam…?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhớ rằng đã chia sẻ câu chuyện tương tự trên báo chí khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. “Khi tôi xuống thăm một nông dân ở huyện Tháp Mười, tôi hỏi sao trái cà na mà to thế? Chủ vườn bảo rằng, “giống cây của Thái đấy anh”. Tôi nghĩ thầm, ngày xưa trái gì ngon ngon ông bà mình cũng bảo của Xiêm, như dừa Xiêm, mãng cầu Xiêm… Bởi vậy nên chúng ta ám ảnh về giống cây trồng của nước bạn”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại cùng đại diện 6 doanh nghiệp lớn, đại diện cho các ngành hàng nông nghiệp quan trọng vào sáng 26/10. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại cùng đại diện 6 doanh nghiệp lớn, đại diện cho các ngành hàng nông nghiệp quan trọng vào sáng 26/10. Ảnh: Minh Phúc.

Theo Bộ trưởng, đây là “câu chuyện đau lòng và nhức nhối” trong lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển giống cây trồng ở nước ta. Thậm chí, chúng ta đi chậm hơn các nước khác cả một thế hệ. Ngay cả người trồng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp mỗi tháng cũng phải đi qua Thái Lan mua giống về để nhân ra.

Bởi vậy, Bộ NN-PTNT xây dựng riêng một Chiến lược phát triển giống cây trồng, vật nuôi quốc gia để đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này. Chúng ta không thể chấp nhận câu chuyện cái người ta đã xài xong một đời rồi chúng ta mới bắt đầu nhập về và phát triển.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những năm gần đây Viện Cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu thành công nhiều giống, nhưng vấn đề cốt lõi là phải thị trường hóa được các sản phẩm nghiên cứu khoa học, trong đó có giống cây ăn trái.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ mở rộng hợp tác công tư, mời các doanh nghiệp tham gia vào các trung tâm nghiên cứu về nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu về giống...

Khi có tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ nhà khoa học cộng với sự năng động về thị trường của doanh nghiệp thì mới đẩy ngành giống cây trồng của chúng ta lên được. Nếu chúng ta cứ ngồi và chờ đợi lẫn nhau thì rất khó thành công.

Vướng gì hãy nhắn tin cho Bộ trưởng

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thủy sản, ông Hồ Quốc Lực (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta), gửi gắm một số suy nghĩ với tư lệnh ngành nông nghiệp.

Thứ nhất, hiện nay diện tích được cấp mã số vùng nuôi, ao nuôi tôm còn quá thấp. Đây là nút “thắt cổ chai” để nâng tầm giá trị tôm Việt. Bởi, doanh nghiệp rất khó giải thích với khách hàng về nguồn gốc sản phẩm. Nếu không sớm tháo gỡ nút thắt này, về lâu dài, các bạn hàng nước ngoài sẽ không tin tưởng vào doanh nghiệp Việt và sản phẩm tôm của chúng ta sẽ mất uy tín.

Đại diện các doanh nghiệp lớn của khu vực phía Nam đối thoại với Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại điểm cầu của Báo Tuổi trẻ. Ảnh: BTC.

Đại diện các doanh nghiệp lớn của khu vực phía Nam đối thoại với Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại điểm cầu của Báo Tuổi trẻ. Ảnh: BTC.

Thứ hai, song song với việc nâng cao năng lực các hộ nuôi tôm, xây dựng các HTX nuôi tôm thì Bộ NN-PTNT cần xem xét đề xuất có chính sách tích tụ đất đai để có vùng nuôi tôm hàng trăm héc ta theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu làm được như vậy, cơ hội để thủy sản Việt Nam vào hệ thống các siêu thị cao cấp sẽ rộng mở.

Về vấn đề lãnh đạo Công ty Sao Ta nêu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn: "Nếu doanh nghiệp xác định được vùng nào cần tích tụ (ví dụ trong địa bàn 2-3 xã) để xây dựng vùng nuôi tôm tập trung quy mô công nghiệp mà gặp vướng mắc thì trao đổi cụ thể với Bộ NN-PTNT. Chúng tôi sẽ cùng doanh nghiệp về địa phương để tìm hướng tháo gỡ khó khăn, phấn đấu xây dựng được mô hình".

Từ mô hình thí điểm tích điền giữa Bộ NN-PTNT cùng làm, chúng ta sẽ có cơ sở thuyết phục hơn trong việc đề xuất cơ chế chính sách về tích tụ đất đai.

Các doanh nghiệp khác cũng vậy, khi vướng chỗ nào thì có thể trực tiếp nhắn tin, gửi email hàng ngày cho Bộ trưởng để trao đổi, như vậy hiệu quả giải quyết công việc sẽ cao hơn. Còn nếu chờ xây dựng và thông qua một chính sách chung chung ở phạm vi rộng, thì có thể phải mất vài năm thậm chí lâu hơn nữa.

Nguyên tắc “tối thiểu để đạt được cái tối đa”

Liên quan đến tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá đầu ra sản phẩm giảm, ông Đỗ Cao Bằng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Greenfeed đặt câu hỏi: "Không biết tình trạng trên là do đứt gãy chuỗi cung ứng, do câu chuyện cung - cầu hay như thế nào".

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Đầu vào của ngành nông nghiệp từ phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y đến bao bì, hộp xốp… cái gì cũng tăng là do đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó chứng tỏ tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam chưa cao, phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, thậm chí có những ngành hàng chúng ta phụ thuộc 70-80%.

"Chúng ta tự hào là đất nước nông nghiệp, nhưng bắp, đậu nành cũng phải nhập. Đây là vấn đề đặt ra và cùng thảo luận để tìm ra cái gì chúng ta phải chấp nhận (do không đủ điều kiện, lợi thế cạnh tranh), cái gì chúng ta không thể chấp nhận thực trạng và phải tìm giải pháp để giảm lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài”, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.

“Vừa rồi tôi có chuyến công tác châu Âu cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các doanh nhân châu Âu thường nói câu “tối thiểu để đạt được cái tối đa”. Bàn tay vô hình của thị trường rất khó đoán định, vậy tại sao chúng ta không tiết giảm chi phí để tạo giá trị cao hơn?”.

Muốn làm được điều đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn... Ở Việt Nam, chỉ 0,2% quả cà phê sử dụng để chế biến thức uống. Nhưng người Trung Quốc đã tận dụng vỏ cà phê để trồng nấm, tạo ra ngành hàng trị giá 17 tỷ USD. Sau khi thu hoạch nấm, phụ phẩm lại tiếp tục được dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Bởi vậy mới thấy, chúng ta đã lãng phí rất lớn (98,8%) nguồn nguyên liệu từ cà phê.

Hay ở ĐBSCL, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu chúng ta giảm một nửa lượng giống gieo sạ so với tập quán hiện nay, thì có thể tiết kiệm được 40% phân bón và vật tư đầu vào. Quan trọng là chúng ta có chấp nhận nghĩ khác đi không? Người ta làm được thì mình làm được. Bộ NN-PTNT sẵn sàng huy động hệ thống các viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi.

Phải tạo ra sản phẩm khác biệt

“Vua tiêu” Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, chia sẻ, cách đây vài năm, những nông dân trồng cà phê ở Sơn La rất chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm mỗi vụ thu hoạch. Thậm chí, nhiều trường hợp phải vận chuyển cà phê từ Sơn La vào Lâm Đồng rồi trà trộn để bán giá cao.

Khi lên Sơn La tìm hiểu, lãnh đạo Tập đoàn Phúc Sinh ngạc nhiên bởi một vùng nguyên liệu cà phê chất lượng tốt như vậy mà không có ai xây nhà máy chế biến. Bí thư, Chủ tịch tỉnh thuyết phục doanh nghiệp đầu tư vào đó.

Phúc Sinh Group đã nhập dây chuyền chế biến cà phê Alabica từ Colombia về và thu mua nguyên liệu của bà con. Chỉ sau 4 năm, giá cà phê ở Sơn La đã tăng gấp đôi. Từ câu chuyện trên, ông Phan Minh Thông cho rằng, cần phải có chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đầu tư thật nhiều nhà máy chế biến nông sản ngay tại vùng nguyên liệu. Có như vậy, chuỗi cung ứng sản phẩm ngành nông nghiệp mới khó bị đứt gãy.

“Vua tiêu” Việt Nam nhấn mạnh, muốn cạnh tranh trên thị trường, mỗi doanh nghiệp cần có những sản phẩm khác biệt. Ở Phúc Sinh Group, 1kg trà cascara chế biến từ vỏ cà phê có giá bán 16USD/kg, trong khi nhân cà phê chỉ bán 2 USD/kg. Ngoài ra, phần phụ phẩm sau chế biến được sử dụng để làm phân vi sinh. Từ nhân cà phê, chúng tôi cũng tạo ra vô vàn sản phẩm cà phê rang xay bán ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Xem thêm
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.