Ảnh minh họa |
Theo đó, lượng cam NK về Việt Nam tới nay cũng đã giảm rất mạnh kể từ khi diện tích cam của nước ta mở ra và thay thế dần cam NK. Tuy nhiên có một thực tế là cam Việt Nam hiện nay rất khó để cạnh tranh được với mặt bằng giá cam của thế giới với mức giá chỉ từ 30- 50 cent/kg.
Ngay cả với định hướng phục vụ cho nhu cầu nội địa, việc SX cam của nước ta vẫn đang thiếu một định hướng chiến lược có tầm vĩ mô, mà vấn đề nhức nhối trước mắt hiện nay đó chính là khâu quản lí giống.
Nông dân Việt Nam hiện vốn đã rất thiệt thòi bởi đang phải trồng những giống cam rất lạc hậu, năng suất, chất lượng quá thấp, thế giới đã bỏ từ lâu. Trong khi đó, việc đầu tư cho KH- CN trong nghiên cứu, chọn tạo giống cam lại bị bỏ bê, ngay cả những giống cam được tuyển chọn có chất lượng tốt như cam Vinh, cam V2 lại đang có nguy cơ lụi tàn bởi khâu quản lí giống bị buông lỏng.
Theo đó, cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng đang trong tình trạng ai muốn nhân giống cũng được. Một số vùng cam đường Canh trước đây từng phát triển rất huy hoàng tại các tỉnh như Hưng Yên, ngoại thành Hà Nội, Hà Tây (cũ)... thì hiện nay đã bị tàn phá vì dịch bệnh.
Trong khi đó, do không có khuyến cáo và hiểu biết nên cây cam đường Canh lại đang dần được đưa lên trồng xen vào các vùng cam V2, cam Vinh sạch bệnh tại nhiều tỉnh như Hòa Bình, Bắc Giang... Đây là nguy cơ vô cùng lớn bởi dịch bệnh trên cam đường Canh có thể lây lan và xóa sổ các vùng cam sạch bệnh...
Việc quản lí giống cây ăn quả rõ ràng là khó hơn các loại cây trồng khác, song không phải là không có cách. Chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra trong vận chuyển, lưu hành giống. Chẳng hạn như kiểm tra giấy tờ, truy xuất xem lô giống có đúng giống, đúng địa chỉ có xác nhận hay không?
Tại các nước, việc quản lí giống từ vùng có bệnh sang vùng dịch bệnh họ quản lí vô cùng nghiêm ngặt, nếu không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc giống, họ xử lí rất nặng, trong khi chúng ta lại đang thả lỏng.